Viết để chống lại sự già cỗi, trì trệ

Văn hóa - Ngày đăng : 07:10, 14/08/2011

(HNM) - Chùm tác phẩm gồm Truyện ngắn chọn lọc và 3 tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng vừa được Hội đồng cấp bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. Cây bút văn xuôi đặc sắc này cũng vừa cho ra mắt tiểu thuyết mới nhất

Một số tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng.


- Thưa nhà văn, bạn đọc có thể được biết rõ hơn về hoàn cảnh ra đời 3 tiểu thuyết của ông trong chùm tác phẩm được Hội đồng cấp bộ đề nghị xét giải thưởng Hồ Chí Minh là “Côi cút giữa cảnh đời”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Mưa mùa hạ”?

- “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn” xuất bản năm 2001, mọi việc đều suôn sẻ. “Côi cút giữa cảnh đời” in năm 1988, khi công cuộc đổi mới vừa được Đảng khởi xướng. Riêng “Mưa mùa hạ” ấn hành năm 1982 thì gặp trục trặc. Cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh chống lũ lụt vô cùng anh dũng đã thành huyền thoại trong lịch sử dân tộc diễn ra trong những năm tháng cuộc sống bộn bề gian khó sau chiến tranh. NXB Lao động, Tổng Liên đoàn LĐVN đã thẩm định kỹ càng, vậy mà in xong thì bị “đắp chiếu”. Lý do là có một số đoạn mang tính “nhạy cảm”.

May mắn là sau những hội thảo và tranh luận ở Viện Văn học và Báo Văn nghệ, cuốn sách được “giải phóng”. Năm 1984, được trao Giải thưởng về đề tài Công nhân, và mới đây tháng 6-2011 được trao tặng thưởng về văn học với đề tài Nông nghiệp.

- Ông vừa ra mắt tiểu thuyết mới nhất về đề tài an ninh trật tự “Bóng đêm” - NXB Công an nhân dân. Vẫn là sự tiếp nối mạch đề tài đấu tranh chống tội phạm, các thế lực thù địch, nhưng hình như xuyên suốt tác phẩm là một cách lý giải khác về tâm sinh lý con người?

- Một cuốn sách thuần túy chỉ là trần thuật lại một vụ án với các sự kiện nối tiếp sự kiện mà viết cho hay thì cũng có giá trị. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn phá vỡ cái khuôn bó chật hẹp của đề tài, muốn được coi câu chuyện có cái cốt lõi là phá án kia như là một câu chuyện cuộc đời, dẫu là một lát cắt đặc biệt của cuộc đời. Ông Tầm, trưởng công an quận và hai anh thiếu úy trinh sát điều tra là Trừng và Nhân đâu phải là những kẻ thừa hành đơn giản. Họ là những anh hùng, có chí khí hơn người, dám đương đầu với bóng đêm tội lỗi, với cái ác, hiểm nguy và cái chết. Họ cũng đâu phải chỉ có súng đạn, dùi cui, còng số tám... Họ có cuộc sống riêng đầy trắc ẩn, và quan trọng là họ có chính kiến, có tâm hồn đẹp, một tầng văn hóa cao. Họ sống với toàn bộ chiều kích tinh thần của con người, với những khuyết tật đời thường. Đúng như bạn nhận định, một cách lý giải khác về tâm sinh lý con người là dụng ý của tôi trong cách dựng truyện. Sex chỉ là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, tôi chú trọng đến khía cạnh khác chi phối con người như chiều sâu văn hóa, cảm giác tâm linh, nỗi ám ảnh trong tàng thức, duyên cơ ngẫu sự trong mỗi hành vi con người...

- Ông từng viết “Kể từ truyện ngắn Phố Cụt đầu tay in trên tờ Văn học tháng 3-1961 tới nay đã mấy chục năm trong nghề, vậy mà hễ cầm bút viết là lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu”. Với “Bóng đêm” có vậy, thưa ông?

- Run rẩy và bồi hồi vì khi bắt đầu cầm bút chẳng thấy hứa hẹn điều gì thật là tốt lành cả, tất cả đều trông chờ vào một phép lạ là sự may mắn. Cảm giác ấy chi phối cả khi viết đã thành nghề, là bởi vì lúc này còn là sự kinh hãi trước cái quen mòn, ỷ lại, trì trệ của mình. Viết “Bóng đêm”, công sức bỏ ra trước hết là chống lại cái quen tay, sự già cỗi trong cách viết. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, và cũng là câu chuyện cốt tử của văn chương thôi, nghĩa là phải bằng mọi cách xuyên qua cái bề mặt của sự kiện, tìm cho được ý nghĩa nhân sinh của câu chuyện. Nói cách khác, cuốn sách phải có được một phẩm chất mỹ học, phải có được một tư tưởng tốt đẹp.

- Hình như ông có cả một kho “khẩu ngữ” cho các nhân vật của mình khiến họ trở nên sinh động hơn?

- M.Glatcốp, tác giả tiểu thuyết “Ximăng” nổi tiếng của dòng văn học Xô Viết nói: “Trên đời không có sự giày vò nào khốn khổ bằng sự giày vò của ngôn ngữ”. Văn học sống bằng ngôn ngữ. Tôi cũng mất nhiều công trau dồi ngôn từ chữ nghĩa. Học từ bậc thầy như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... cho đến các nhà văn trẻ hôm nay, học từ cách diễn đàn của văn chương nước ngoài cho đến khẩu ngữ của người dân trong ngõ xóm phố phường... Nhưng mà nói thật, tôi cũng chỉ viết được vài loại nhân vật quen thuộc thôi, động đến các mẫu người của hôm nay, nhất là lớp trẻ, cầm chắc là tôi không viết được.

- Từ “Phố Cụt” đến “Bóng đêm” là đã tròn nửa thế kỷ cầm bút của ông. Từ đời văn của mình, nhìn vào lớp tác giả trẻ hiện nay ông có chia sẻ gì?

- Theo thiển nghĩ của tôi, viết văn có hai vấn đề: viết cái gì và viết như thế nào? Thế hệ tôi, viết thế nào là điều loay hoay trăn trở, nhiều khi dẫn đến bế tắc chán nản. Lớp các anh chị em sau chúng tôi được học hành chu đáo, nhạy cảm, thông minh, có tài và có nhiều thành công đáng kể. Nhưng đọc họ, nhiều khi tôi có cảm giác họ có phần để phí tài năng. Với tôi thì vấn đề day dứt là viết thế nào? Còn với nhiều anh chị em thì có nhẽ vấn đề là viết cái gì?

- Xin cảm ơn ông!

Thi Thi