Bia hơi Hà Nội (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:52, 14/08/2011
Quán bia hơi vỉa hè tại ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. |
Các quán bia Cổ Tân (nay là khu vực Công an phường Tràng Tiền và Quận đội Hoàn Kiếm), Nguyễn Biểu, Cầu Giấy, Thủy Tạ, Mơ, Vọng, Hàng Bài... bao giờ cũng đông khách. Những năm 1970, bia bắt buộc phải kèm với lạc rang ngọt (không phải lạc rang húng lìu), nộm đu đủ. Nhưng đã từng có bia kèm "sư tử". Chuyện là tháng 10-1974, bách hóa Quán Thánh bán đầu sư tử cho trẻ em vui chơi Trung thu nhưng bán không hết đã kết hợp với bia Nguyễn Biểu tiêu thụ nốt đầu sư tử ế. Mua 4 cốc kèm một đầu sư tử loại nhỏ, 6 cốc kèm đầu sư tử loại lớn. Thời đó chẳng ai nghĩ đó là độc quyền chỉ mong cửa hàng bán càng nhiều càng tốt nên dù ép thế nào cũng được miễn là có bia uống. Hôm đó quán bia giống như cơ sở sản xuất đồ chơi, chật ních đầu sư tử. Bên ngoài quán này, dãy số chẵn phố Nguyễn Biểu có bà cụ bán vó bò. Tương của cụ ngon đến mức mà hết vó bò có người nì nèo mua tương không để nhắm với bia.
Bên ngoài cửa hàng Cổ Tân cũng có người bán ốc bươu luộc, đậu rán chấm mắm tôm, nộm, mực nướng, bánh đa như các cửa hàng khác. Nhưng khác là ở đây có thơ về các bà bán hàng: "Nộm Thừa, đậu Thiếu, ốc Phân. Vắng ba bà ấy Cổ Tân rất buồn". Nộm Thừa là bà bán nộm tên Thừa, đĩa nộm bao của bà này bao giờ cũng thừa tương ớt nhưng lại ít đu đủ. Đậu Thiếu là bà bán đậu rán chấm mắm tôm tên Thiếu, vì rán ít mỡ nên đậu của bà này bao giờ cũng xém đen như đậu nướng, còn ốc Phân là bà Phân bán ốc, vì bà luộc quá khéo khiến khi nhể ốc bao giờ cũng kéo theo cả phần phân. Ba bà hút thuốc lá như ranh, nói tục như hát nhưng sẵn sàng cho khách chịu, bao giờ có thì trả. Khi cửa hàng hết bia mới là lúc các bà, các cô phe lôi bia ra bán. Ai cũng biết bia do nhân viên cửa hàng tuồn ra, nhưng biết để mà biết chứ ai làm gì được họ vì cả cửa hàng thông đồng với nhau. Mà chẳng riêng bán cho phe, khối người có chức quyền cũng mua cửa hậu cả vài can. Chỉ có người lao động phải kiên nhẫn xếp hàng. Can bia được bọc bằng quần áo cũ để giữ lạnh nhưng uống nhạt thoẹt do bị pha nước lã. Giá 5 hào một cốc, loại cốc chỉ có 330ml nhưng dân nghiện vẫn phải chấp nhận. Khoảng tháng 8-1975, ngành ăn uống đã quyết định đổi cốc 500ml sang cốc 330ml với lý do bia có hạn, chuyển sang cốc nhỏ để ai cũng được uống.
Không phải ai cũng có tiền uống bia và vì thế không ít người nghĩ ra trò phe vé. Những người này đến các cửa hàng từ khi "chợ chưa họp", kiên nhẫn xếp hàng. Sau khi mua theo định suất, họ nhanh chóng quay lại xếp hàng mua vé lần hai. Rồi họ bán lại vé cho những người đến muộn với giá cao hơn và thế là có 1 hay 2 cốc uống không mất tiền. Năm 1978, Nhà máy bia Hà Nội đầu tư nâng cấp nhà nấu và hệ thống lạnh theo công nghệ của Cộng hòa Dân chủ Đức sản lượng lên 50 triệu lít/năm. Nhờ đó các điểm bán bia trong thành phố mở ra nhiều hơn và lượng bia cung cấp cũng dồi dào hơn. Cũng từ năm đó, các quầy bia xuất hiện thịt chó chặt. Tầm hơn 8 giờ, những chiếc xe buýt Karosa dài ngoằng chạy từ Nhổn ra Lò Đúc toàn dân bán thịt chó. Chó nhuộm hoa hiên nhe răng rải từ đầu xe đến cuối xe chiếm hết lối đi. Khi xe buýt đỗ ở cuối phố Phan Chu Trinh, họ xuống lấy xe đạp gửi tháng rồi tỏa đi các quán bia trong nội thành.
Giữa những năm 1980, biên giới Việt - Trung mở cửa thông thương, bia chai Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã góp phần giảm bớt tình trạng thiếu bia và cũng làm cho các cửa hàng bia quốc doanh bớt kiêu căng. Rồi thực hiện đổi mới, khiến các quán bia quốc doanh khai tử, bia tư nhân xuất hiện.
Vào cuối những năm 1990, các lò bia tư nhân xuất hiện tràn lan. Người ta gọi bia nấu thủ công là bia cỏ. Và bia cỏ có ở hang cùng ngõ hẻm trong thành phố với giá rẻ nên lôi kéo dân lao động. Chẳng cần ngon, miễn là có tý men. Lê Quang Bình, bộ đội phục viên, chuyển ngành về Công ty Ăn uống Đống Đa. Xóa bỏ bao cấp, công ty rơi vào cảnh chơi vơi vì vốn quen "bú sữa mẹ". Bình về hưu non. Thấy bán bia hơi kiếm được nên anh thuê cửa hàng gần Nhà máy bia Việt Hà mở quán vào năm 1992. Nhưng Bình không bán bia Việt Hà mà bán bia cỏ do xưởng Trường đại học Bách khoa sản xuất. Mùa hè, mỗi ngày Bình bán khoảng 600 lít. Công nhân nhà máy ra uống cứ tưởng bia của nhà máy mình.
Khi bia hơi có vẻ bão hòa thì xuất hiện bia tươi và một cú lừa “ngoạn mục” sau này dân uống bia mới biết. Chuyện là năm 1996, người ta đồn đại cửa hàng bán bia tươi đen ở phố Ngô Thì Nhậm được nhập từ Đức. Thấy lạ, khách đến nườm nượp. Cửa hàng chiều ngang chỉ khoảng 3 mét lúc nào cũng chật cứng dù người ta bán tới 100.000 đồng/lít (thời điểm này vàng khoảng 400.000 đồng/chỉ). Hằng ngày xe ô tô chở bia chạy lên hướng sân bay Nội Bài sau đó cho xe quay đầu chạy về xưởng bia thủ công nằm ngay cạnh Hà Nội. Chuyện chỉ bại lộ khi nhân viên sân bay cho hay "làm gì có bia tươi Đức nhập về Việt Nam qua Nội Bài"!
Bây giờ uống bia cũng khác, trước vốn tốn ít mồi thì nay ú hụ đồ nhắm trên bàn. Duy nhất quán bia hơi uống kiểu nhấp nháp như thời bao cấp là quán ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Ngày trước, khách mang bia ra ngoài vỉa hè lập tức bị nhân viên yêu cầu vào bên trong, còn bây giờ, đúng như câu hát của nhạc sỹ Trần Tiến "rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè". Trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quán bia "bao cấp" cuối cùng đã bị dỡ bỏ. Gọi là bao cấp vì quán vẫn bán theo bình nhựa và bia còn giữ được vị bia Hà Nội xưa trong khi không thể tìm được mùi vị ấy ở bất cứ nơi nào trên đất Hà Nội.