Tăng cường giáo dục liêm chính cho thanh niên

Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 14/08/2011

(HNM) - Dù hiểu rõ khái niệm, tầm quan trọng của liêm chính, nhưng khá nhiều thanh niên vẫn dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu nhằm trục lợi cho bản thân, gia đình mình…


Phổ biến nạn tham nhũng vặt

Theo kết quả khảo sát năm 2011 đối với 1.022 đối tượng thanh niên tuổi từ 15 đến 30, có đến 95% người cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có và thiếu liêm chính (bao gồm cả tham nhũng) sẽ có hại cho thế hệ trẻ, sự phát triển của đất nước. Dù suy nghĩ là vậy, nhưng thực tế hành động thì có 40% thanh niên sẵn sàng tham nhũng, hối lộ nếu mang lại lợi ích cho bản thân. Đặc biệt, đa số thanh niên có trình độ cao đều có quan điểm lừa dối và vi phạm pháp luật sẽ dễ giàu, thành đạt hơn liêm chính.

Tuổi trẻ được học tập và sinh hoạt trong môi trường lành mạnh sẽ góp phần giáo dục tính trung thực, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, sai trái. Ảnh: Nguyệt Ánh


TS. Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm khảo sát cho biết, hiện tượng tham nhũng phổ biến thanh niên từng gặp có liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông và kinh doanh. Gần nửa số thanh niên được hỏi đều chấp nhận đưa "phong bì" để được chăm sóc, điều trị tốt hơn; 38% thanh niên sẵn sàng gian lận để thi đỗ vào trường tốt và 33% sẵn sàng thực hiện hành vi hối lộ để có công việc như mong ước và 40% thanh niên thừa nhận đã từng hối lộ CSGT để tránh bị phạt. Đáng lo ngại,  phần lớn thanh niên cho rằng bản thân có thể góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng việc tố cáo tham nhũng của họ còn hạn chế (chỉ có 4% người dám tố cáo). Lý do chính là do họ thờ ơ hoặc bi quan, vì cho rằng tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì; thậm chí còn không được bảo vệ, nguy hiểm đến tính mạng bản thân và gia đình… Còn theo GS. Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, nhận thức và hành vi của thanh niên có sự mâu thuẫn lớn. Họ căm ghét sự giả dối, hối lộ… nhưng họ vẫn thực hiện hành vi để được việc, điều này lỗi không phải ở họ mà lỗi do xã hội tạo ra hoàn cảnh, đẩy thanh niên vào tình huống không liêm chính. Nhiều thanh niên còn cho rằng, trong xã hội phổ biến nạn vòi vĩnh, tham ô, nếu không đi theo guồng máy đó thì sẽ trở thành người "ngố", không theo kịp thời đại?

Để được sống trong môi trường lành mạnh

Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, nhiều thanh niên rất khó khăn trong việc "cưỡng lại" những hành vi không liêm chính, tham nhũng, bởi nhiều nguyên nhân như coi đấy là "chuyện bình thường ở huyện"; hoặc tư tưởng "an phận thủ thường"; sợ bị coi là "ngựa non háu đá"... Mặt khác, do tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm sống nên nhận thức chưa đủ về tầm quan trọng của liêm chính, chống tham nhũng đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Lấy phòng ngừa làm trọng tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, học sinh, sinh viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên nội dung PCTN được đưa vào nhà trường một cách có hệ thống, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với việc nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN; từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam, việc triển khai chương trình này kết quả chưa cao, bằng chứng là 17% thanh niên được hỏi là có học về tăng cường liêm chính và 2/3 số này nhận xét các chương trình giáo dục đó chưa thực sự hiệu quả.

Qua khảo sát cho thấy, thiếu trung thực trong thanh niên là sai lệnh chuẩn mực trong xã hội, muốn khắc phục nó thì người lớn phải làm gương, xã hội phải khắc phục lệnh chuẩn mực. Một mình thanh niên không thể thay đổi được mà phải toàn xã hội. Tuy nhiên, trước mắt có thể các cấp bộ đoàn, hội đưa các nội dung PCTN và tăng cường tính liêm chính vào các cuộc thảo luận, sinh hoạt chuyên đề; cần xây dựng cơ chế cụ thể để định hướng thanh niên tôn trọng liêm chính.

Ngoài các giải pháp trên, để tuổi trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, thiết nghĩ việc giáo dục tính trung thực, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, sai trái để thực hiện liêm chính cần được thực hiện ngay từ trường học và ngay từ khi còn bé. Đối với các nhà trường, thay vì giới thiệu các hành vi trừu tượng, cần giảng dạy các tình huống cụ thể, sát thực đời sống; đồng thời thường xuyên biểu dương, khen thưởng những học sinh, sinh viên có hành động liêm chính...

Vũ Thủy