Sao cho “vẹn cả đôi đường”

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:32, 13/08/2011

(HNM) - Các bác sỹ Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản trung ương tư vấn là nên chọc ối để xác định xem thai nhi có nhiễm rubella không.

Độ chính xác của phương pháp này lên tới 90%. Tuy nhiên, do quá lo ngại, vợ chồng chị đã quyết định bỏ thai với mong muốn sinh một đứa con không dị tật.

Không chấp nhận "nguy cơ "...


Phụ nữ có thai cần khám và kiểm tra sức khỏe sinh sản thường xuyên. Ảnh: Hữu Oai

Chị N.T.Tr. là một trong số 2.045 thai phụ mắc rubella đến hội chẩn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ đầu năm đến nay. Sau khi được tư vấn, hơn nửa số thai phụ đã lựa chọn biện pháp đình chỉ thai nghén để bảo đảm tuyệt đối không sinh con có nguy cơ tàn tật.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương (BV) cho biết, để hội chẩn cho các thai phụ nhiễm rubella, BV có Hội đồng Chẩn đoán trước sinh gồm các bác sĩ sinh hóa, di truyền, chẩn đoán hình ảnh… Riêng trong đợt dịch rubella vừa qua (tháng 5, 6), có tuần BV hội chẩn đến 200 ca. Chẩn đoán nhiễm rubella dựa vào 4 yếu tố: Dịch tễ học chính là nguồn lây, dấu hiệu lâm sàng (sốt nhẹ, có người thoảng qua; phát ban nhanh chóng chuyển rồi kết thúc, ban nhỏ khác ban của sởi); xét nghiệm sinh hóa dựa vào tiêu chuẩn IgG và IgM và tần suất nhiễm ở từng tuổi thai. Theo các nghiên cứu của thế giới, thai phụ nhiễm rubella khi mang thai dưới 12 tuần tuổi thì tỷ lệ dị tật 70-90%, từ 13 đến 14 tuần tỷ lệ này là 30-40%, từ 15 đến 16 tuần khoảng 20% và từ 16 đến 20 tuần là 10% và thai trên 20 tuần tuổi thì tỷ lệ dị tật dưới 1%.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho biết, "khi tư vấn chúng tôi không bao giờ nói khả năng dị tật là 100% bởi có những trường hợp thai được 24 tuần, mẹ bị nhiễm rubella, khi sinh ra đứa trẻ vẫn bị điếc. Chúng tôi chỉ tư vấn là nguy cơ cao và nguy cơ thấp. Với những trường hợp hội đủ 4 yếu tố nguồn lây, nhiễm rubella khi tuổi thai dưới 12 tuần, xét nghiệm IgG và IgM dương tính thì chúng tôi khuyến cáo đình chỉ thai nghén".

Tại Khoa Sơ sinh của BV, có 28 trẻ sơ sinh bị nhiễm rubella được sinh ra, trong đó có 24 trẻ còn sống. Các trẻ này có dấu hiệu như: 28/28 dưới 2,4kg; 28/28 trẻ thiếu máu; 6/28 trẻ bị đục thủy tinh thể; 7/28 bị tim bẩm sinh... Những trường hợp này đều do bà mẹ không phát hiện mình nhiễm rubella khi có thai.

Để xem thai nhi có bị lây nhiễm rubella từ mẹ hay không để có quyết định đình chỉ thai, từ tháng 6, BV đã ứng dụng phương pháp chọc dịch ối bằng kỹ thuật PCR real - times. Phương pháp này cho kết quả chính xác từ 90% đến 95%. Thời điểm lấy mẫu đáng tin cậy là khoảng từ 5 đến 7 tuần sau khi thai phụ có dấu hiệu phát ban. Hiện, chi phí cho một lần làm xét nghiệm là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, do tâm lý muốn yên tâm tuyệt đối và luật pháp không nghiêm cấm phá thai dưới 28 tuần nên nhiều gia đình đã lựa chọn biện pháp phá thai.

...nhưng có thể hạn chế

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, tâm lý muốn yên tâm tuyệt đối của các cặp vợ chồng là bình thường và đứa trẻ sinh ra lành lặn còn vì chất lượng con người bởi nếu không may bị tàn tật thì chúng trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cho cả xã hội. Tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, những năm trước đây, khi có dịch rubella, hàng nghìn thai phụ cũng đã phải đình chỉ thai.

Theo các chuyên gia y tế, tư vấn cho các thai phụ nhiễm rubella rất phức tạp và khó khăn. Ngay cả với phương pháp mới PCR real - times thì cũng không phải áp dụng được cho mọi trường hợp vào đúng thời điểm cần xét nghiệm vì nhiều người nhiễm rubella nhưng không phát ban. Cho nên, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, "vấn đề của chúng ta hiện nay không phải là có phá thai nhầm hay không, nhiều hay ít mà phải làm thế nào để phổ cập việc tiêm vắc xin phòng rubella trước hết cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và sau này là tất cả trẻ gái. Bởi, với những người đã tiêm phòng rubella rồi, nếu có bị mắc bệnh thì nguy cơ truyền virut sang con là rất ít. Điều này nhiều nước trên thế giới đã làm được. Tuy nhiên, trên thực tế tại BV Phụ sản trung ương, có những trường hợp tiêm phòng rubella khi có thai hoặc tiêm xong chưa được 1 tháng thì có thai, trong khi khuyến cáo của các chuyên gia y tế là nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng. Đây là điều cần phải được tuyên truyền sâu rộng để những ai có ý định sinh con biết và tuân thủ.

Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã trình Bộ Y tế xem xét kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam, trong đó có giải pháp tiêm vắc xin phòng rubella cho toàn bộ phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi. Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2011 cũng đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành trên cả nước. Những cố gắng này của ngành y tế nhằm giúp các gia đình có được những đứa con khỏe mạnh và góp phần nâng cao chất lượng dân số, song vẫn cần sự ủng hộ của xã hội, trước hết là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng việc tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp sàng lọc.

Vân Nga