Bất cập đến bao giờ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 13/08/2011

(HNM) - Thừa nhận việc tham mưu để ban hành Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định mức thu tối thiểu 4m3/tháng đối với một hộ sử dụng nước sạch là bất cập, song đã hơn một năm nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa đề nghị sửa đổi quy định này...


Quy định thiếu thực tế


Người dân tại nhiều khu vực phải sử dụng nước cấp từ xtec nhưng vẫn phải nộp tiền “thuê bao” nước sinh hoạt. Ảnh: Khánh Ngọc


Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngày 11-7-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Theo Nghị định 117, mỗi hộ dân sử dụng nước sạch phải nộp tiền theo mức tối thiểu là 4m3 nước/tháng, hộ nào không sử dụng hết mức này cũng vẫn phải nộp. Bộ Xây dựng khẳng định quy định nêu trên góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch. Bởi trong quá trình thực hiện dự án cấp nước, người dân đều cam kết đấu nối và chi trả tiền nước sạch trên cơ sở có sự đồng thuận của đa số hộ dân trong phạm vi dự án, thì dự án mới được triển khai. Thế nhưng, thực tế sau khi đưa công trình vào hoạt động, nhiều hộ gia đình không thực hiện đúng như cam kết, vẫn tiếp tục sử dụng những nguồn nước không hợp vệ sinh như nước giếng, ao, hồ… Cơ sở để tính mức thu tối thiểu 4m3/tháng, xuất phát từ thực tế sử dụng nước trung bình cho mỗi hộ gia đình là 16m3/tháng (mỗi hộ bình quân 4 người, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt 120 lít/người/ngày đêm). Việc xác định khối lượng tối thiểu 4m3/hộ gia đình/tháng chỉ bằng 1/4 so với mức sử dụng bình quân của một hộ gia đình và không cao hơn mức sử dụng bình quân cho trường hợp hộ độc thân. Mức thu kiểu "thuê bao" đó nhằm bù đắp chi phí sản xuất, phục vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước...

Tuy nhiên, quy định trên lại được áp dụng đối với tất cả các đối tượng, nên trong thực tế đã nảy sinh bất cập. Nhiều hộ nghèo, hộ đơn thân hoặc những trường hợp cá biệt không thường xuyên ở nhà, không sử dụng hết 4m3 nước/tháng vẫn phải đóng khoản phí tối thiểu là không phù hợp. Bà Nguyễn Thị Mỹ (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho rằng: "Quy định này khuyến khích sử dụng nước lãng phí. Có hộ không dùng đến 4m3 nước, nhưng vẫn sử dụng nước một cách thoải mái, với ý nghĩ đằng nào cũng mất tiền, tội gì không dùng. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Người tiêu dùng chỉ trả tiền cho hàng hóa, dịch vụ mà mình sử dụng, không thể trả tiền cho cái mà mình không sử dụng và tiêu dùng...".

Quy định "thuê bao" nước sinh hoạt càng trở nên lạc hậu đối với các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... vì ở đây đang triển khai các dự án cấp nước mang tính cạnh tranh. Cách lý giải "khi đưa công trình vào hoạt động, nhiều hộ gia đình đã không thực hiện đúng như cam kết mà vẫn tiếp tục sử dụng những nguồn nước không hợp vệ sinh như nước giếng, ao, hồ…" cũng không thuyết phục. Ở nhiều khu vực, người dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt mà vẫn phải đóng phí "thuê bao" tối thiểu 4m3/tháng, thật là vô lý.

Biết bất cập, sao chưa sửa đổi?

Công văn số 870 ngày 20-5-2010 của Bộ Xây dựng gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định: "Bộ Xây dựng thống nhất quan điểm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về việc người tiêu dùng sử dụng không đến 4m3 nước mà vẫn phải trả tiền cho 4m3 nước là một vấn đề bất cập. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP; các vấn đề bất cập, chưa phù hợp sẽ được kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung". Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, Bộ Xây dựng vẫn chưa có động thái nào để tiến tới sửa đổi, bổ sung quy định này. Thời gian qua, trong nhiều diễn đàn, nhất là tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cho rằng, điểm bất cập của quy định rõ ràng như vậy, tại sao lại phải "ngâm" lâu như thế? Nhiều cử tri đề nghị bỏ quy định "thuê bao", đồng thời tăng giá nước sinh hoạt sẽ bảo đảm chi phí sản xuất và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên nước. Trong quy định giá nước sạch, cần phân biệt mục đích sử dụng để tính giá sao cho hợp lý. Cũng có ý kiến đề nghị, nếu duy trì phí "thuê bao" như cũ, thì phải có quy định hỗ trợ hoặc không áp dụng mức phí này đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các trường hợp cá biệt như đi công tác, du lịch, tạm thời không sử dụng nhà ở…

Chỉ có sửa đổi, bổ sung kịp thời những bất cập thì những quy định đó mới thực sự đi vào đời sống và niềm tin đối với cơ quan chức năng mới được bảo đảm.

Để tạm thời khắc phục những bất cập trong quy định mức thu tối thiểu 4m3 nước/tháng, Công ty Cấp nước Thừa Thiên - Huế đã triển khai lắp đặt nước miễn phí và hỗ trợ 2m3/hộ gia đình/tháng đối với các hộ nghèo. Việc này có thể áp dụng ở nhiều địa phương trong khi chờ Nghị định 117 được sửa đổi, bổ sung.

Quốc Bình