Chồng chéo, không hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 13/08/2011

(HNM) - Là địa phương có nhiều cơ sở công nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có lượng chất thải nguy hại thải ra hằng ngày rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý loại chất thải này vẫn lỏng lẻo, nhiều bất cập...


Mức độ vi phạm ngày càng tăng

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TNMT TP Hồ Chí Minh, cho biết, TP có khoảng 11.000 - 12.000 cơ sở sản xuất công nghiệp lớn nhỏ, ước tính mỗi ngày phát sinh khoảng 350-500 tấn chất thải nguy hại (CTNH), chưa kể khoảng 9-12 tấn CTNH từ ngành y tế. Tại TP có 40 đơn vị được cấp phép vận chuyển và 12 đơn vị được cấp phép xử lý CTNH. Tỷ lệ thu gom chất thải đạt từ 80-90%. Với tốc độ gia tăng chất thải ước tính hằng năm từ 10-12%, dự báo đến năm 2015 khối lượng CTNH công nghiệp sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm.


Một bãi đổ chất thải độc hại trái phép.     (Ảnh do PC36 cung cấp).


Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hồ Chí Minh, cho rằng, số lượng CTNH thống kê được cũng chỉ phỏng đoán chứ chưa thể chính xác. Hầu như các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đều phát sinh CTNH, trong khi đó, việc quản lý từ chủ nguồn thải đến các đơn vị vận chuyển, xử lý mới chỉ được thực hiện theo dạng đăng ký tự nguyện và tự giác thực hiện. Cũng theo Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, vi phạm trong lĩnh vực quản lý CTNH ngày càng tăng. Nếu như cả năm 2010, cảnh sát môi trường đã phát hiện, đề xuất xử lý 25 vụ việc liên quan trực tiếp đến CTNH, với tổng mức phạt 932,6 triệu đồng, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, cơ quan chức năng đã phát hiện 21 vụ việc với số tiền phạt lên đến gần 2 tỷ đồng. Mức độ vi phạm cũng tăng khi trong hai năm 2009-2010 chỉ phát hiện một số đơn vị chôn lấp rác thải trái phép ngay trong khuôn viên công ty, như Nhà máy điện Hiệp Phước, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh đổ trái phép 836 tấn bùn thải… thì năm 2011 đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, nổi lên là tình trạng dùng xe ép rác thu gom CTNH rồi đem đổ vào trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt (vụ Công ty TNHH Thuận Phát Đồng), hoặc bán CTNH dưới dạng phế liệu với số lượng lớn và thường xuyên (Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam và một số đơn vị thuê mặt bằng của công ty này). Nhiều đơn vị đã lợi dụng việc ký hợp đồng mua bán phế liệu để bán hàng trăm tấn CTNH mỗi tháng. Thậm chí, khu vực phường Long Bình, quận 9, từ nhiều năm nay vẫn tồn tại một bãi đổ CTNH tự phát mà cơ quan chức năng chưa xử lý được.

Quản lý, giám sát còn nhiều lỗ hổng

Nguyên nhân của vi phạm môi trường ngày càng tăng, theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục C49, là do các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, ham lợi và do bất cập về cơ chế quản lý và hành lang pháp lý, thiếu quy hoạch tổng thể về đổ thải…. Còn theo Thượng tá Đặng Mạnh Liêu, công suất xử lý hiện nay của TP không đủ để giải quyết triệt để khối lượng CTNH thải ra mỗi ngày, do các đơn vị đều có mặt bằng nhỏ, lò đốt công suất thấp. Ngoại trừ lò đốt 21 tấn/ngày do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đang xây dựng thì các lò đốt khác chỉ có công suất một vài tấn. Đối với việc thực hiện công nghệ hóa rắn, chôn lấp cũng gặp trở ngại do TP chưa có khu xử lý tập trung, mặt bằng của các đơn vị xử lý nhỏ, không đủ để xây dựng hầm có dung tích lớn….

Theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 6-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ "phê duyệt quy hoạch khu xử lý chất thải rắn đến năm 2020" thì khu xử lý chất thải của TP Hồ Chí Minh được quy hoạch 100ha thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Tuy nhiên, đến nay khu đất này vẫn chưa được đền bù giải tỏa xong. Hiện TP vẫn chấp thuận cho các nhà máy xử lý, tiêu hủy CTNH tiếp tục hoạt động bên ngoài. Chính vì vậy mà TP gặp khó khăn trong việc quy hoạch mạng lưới thu gom, vận chuyển CTNH.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, việc quản lý CTNH rất khó vì nhân lực và trang thiết bị thiếu, không theo kịp tốc độ phát triển và công nghệ của các doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả quản lý và giám sát còn nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó là sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý trong công tác thanh tra, kiểm tra đã dẫn đến tình trạng chồng chéo mà không hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Phước cũng cho biết, TP Hồ Chí Minh vẫn đang hoàn thiện quy hoạch về quản lý CTNH, để đến năm 2015 sẽ đạt hiệu quả thu gom 100%, đến năm 2025 sẽ thu gom và xử lý 100% CTNH.

Thùy Linh