Bất an chợ thuốc

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:55, 12/08/2011

Hiện nay, rất nhiều hoạt động vận chuyển, tiếp nhận hoặc cấp phát thuốc đều diễn ra dưới cái nóng ngoài trời 37-40 độ C. Điều này có thể khiến các nỗ lực bảo quản trong quầy thuốc (có điều hòa) sẽ trở nên vô nghĩa, bởi thuốc bị


Trong mát mẻ, ngoài nóng rẫy

Cần phải khẳng định việc duy trì các trung tâm bán buôn thuốc là cần thiết để các đơn vị bán lẻ có thể mua thuốc tập trung tại một nơi, đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người dân trong mọi điều kiện và thuốc được đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Nhưng một khi các doanh nghiệp có quầy trong chợ thuốc không đảm bảo được các điều kiện trong bảo quản, phân phối thuốc (như phương tiện vận chuyển, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm trong khi vận chuyển và ở khu vực bảo quản..v.v... ) thì chất lượng thuốc rất dễ dàng bị ảnh hưởng.

Bên trong chợ thuốc, điều hòa được trang bị khá đầy đủ, không khí thoáng mát. Tuy nhiên, so với quy chuẩn 30m2 diện tích và 100m3 thể tích thì các quầy chưa thể đạt được.


Trong thời gian qua, chợ thuốc đã có một số cải thiện đáng kể (có điều hòa nhiệt độ; cơ sở vật chất được nâng cấp khang trang, sạch sẽ hơn... ) song không phải vì thế mà có thể yên tâm hoàn toàn về chất lượng thuốc, nhất là ở khâu vận chuyển, khu vực tiếp nhận, cấp phát.

Giữa cái nắng nóng 36-37 độ C của mùa hè, các quầy bên trong chợ thuốc khá mát mẻ nhưng bên ngoài, thuốc vẫn được chất lên các xe cút kít và... phơi nắng.

Theo quan sát của phóng viên ở thời điểm hiện tại, rất nhiều hoạt động vận chuyển, tiếp nhận hoặc cấp phát thuốc (cho các đại lý) đều diễn ra trong không khí nóng bức ngột ngạt, nhiệt độ ngoài trời lên tới 37-40 độ.

Do không có khu vực bảo quản đủ rộng và các phương tiện chuyên dụng đạt chuẩn GDP (theo quy định của Bộ Y tế) nên nhiều lô thuốc được mang đến và để ngay ở cửa ra vào. Các dược sĩ, trình dược viên cũng tự do vận chuyển thuốc khắp sân chợ giữa thời tiết nóng nực.

Điều này có thể khiến các nỗ lực bảo quản phía bên trong của các quầy (với điều hòa nhiệt độ đầy đủ) sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi thuốc bị "phơi nắng" ở bất kỳ khâu nào sẽ khiến chất lượng "tuột dốc không phanh".

Có thể phản tác dụng

Thông thường thuốc phải được bảo quản trong quy định chung là nhiệt độ dưới 25 độ C (có loại dưới 20 độ), độ ẩm 75%. Theo lý giải của các dược sỹ, thuốc không được bảo quản đúng nhiệt độ, độ ẩm (mà nhà sản xuất đưa ra) sẽ gây tác động đến độ kết dính, màu sắc, đặc biệt là hàm lượng thuốc (thậm chí có loại thuốc hàm lượng 500mg có thể giảm xuống chỉ còn một nửa nếu bị phơi nắng, vận chuyển trong điều kiện không thuận lợi như trên).

Trong khi đó, ở bên ngoài, thuốc được chất lên xe cút kít và kéo lê khắp chợ dưới cái nắng lên đến 36-37 độ. Việc đảm bảo chất lượng không đồng đều như thế này có thể khiến những nỗ lực bên trong không mang lại hiệu quả, khiến chất lượng thuốc bị ảnh hưởng.


Có thể lấy vitamin C làm ví dụ. Đây là loại thuốc thông thường, quen thuộc, có nhiều dạng bào chế khác nhau (viên nén, viên sủi, viên nang, dạng chích, v..v... ). Nhưng nếu không bảo quản đúng điều kiện mà nhà sản xuất đưa ra (về nhiệt độ, độ ẩm) thì vitamin C dễ dàng bị ôxy hóa. Khi đó, thuốc không những mất tác dụng mà còn có thể gây hại cho người dùng.

Sẽ nguy hiểm hơn nếu như loại thuốc được bảo quản không đúng quy cách đó lại là kháng sinh.

Một kháng sinh nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm không thích hợp có thể bị phân hủy thành các chất độc hại với cơ thể.

Ví dụ, kháng sinh Tetracycline để ở nhiệt độ không thích hợp sẽ bị phân hủy thành dihydro-tetracycline, gây độc với thận. Kháng sinh Penicilline để ở nhiệt độ, độ ẩm không thích hợp sẽ bị phân huỷ, có thể gây dị ứng thuốc cho người dùng...v.v...

Đối chiếu với những quy định khắt khe mà Bộ Y tế đưa ra để đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình phân phối, có thể thấy những dấu hiệu trên khiến người tiêu dùng cảm thấy "bất an" về chất lượng thuốc ở một chợ thuốc đầu mối lớn nhất Hà Nội - nơi đáng ra phải là "đầu tàu gương mẫu" trong vấn đề đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình phân phối.

Một số quy định tiêu biểu trong nguyên tắc "Thực hành tốt phân phối thuốc" của Bộ Y tế để đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình lưu thông, phân phối (gọi tắt là nguyên tắc GDP, ban hành kèm theo quyết định 12 ngày 24/01/2007 của Bộ Y tế):

- Khu vực bảo quản thuốc phải có đủ diện tích để cho phép bảo quản có trật tự các loại sản phẩm khác nhau, như sản phẩm chờ đóng gói, sản phẩm biệt trữ, sản phẩm xuất xưởng, loại bỏ, trả lại hoặc thu hồi. Diện tích tối thiểu là 30 m2, dung tích tối thiểu 100 m3. Khu vực bảo quản phải được thiết kế, điều chỉnh để đảm bảo các điều kiện bảo quản thuốc. Đặc biệt, khu vực bảo quản phải sạch, khô và được duy trì trong khoảng giới hạn nhiệt độ thích hợp.

- Điều kiện bảo quản thuốc phải được theo dõi và ghi lại để có thể xem xét sau này. Thiết bị theo dõi phải được kiểm tra theo định kỳ phù hợp, và kết quả kiểm tra phải được ghi lại và lưu giữ. Phải tiến hành đánh giá độ đồng đều nhiệt độ của khu vực kho bảo quản.

- Khu vực tiếp nhận, cấp phát phải có khả năng bảo vệ thuốc khỏi các các điều kiện thời tiết bất lợi. Khu vực tiếp nhận phải được thiết kế, xây dựng, và có trang bị thích hợp để có thể làm sạch các bao bì vận chuyển trước khi nhập kho.

- Tất cả các phương tiện vận chuyển, trang thiết bị được sử dụng trong bảo quản, phân phối và xử lý thuốc phải thích hợp với mục đích sử dụng và phải bảo vệ được thuốc tránh các điều kiện có thể ảnh hưởng xấu đến độ ổn định, tính toàn vẹn của bao bì, thuốc và phòng tránh việc nhiễm bẩn

- Nên có các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị chuyên dụng cho thuốc. Khi không sử dụng các phương tiện vận chuyển và trang thiết bị chuyên dụng thì phải có các quy trình phù hợp để bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm. Phải thực hiện các quy trình vệ sinh thích hợp, có kiểm tra, và ghi chép lại.

Theo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam