Góp bình yên cho vùng bão lũ
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 12/08/2011
Đội cứu hộ xã Đức Bồng diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên sông Ngàn Sâu. |
Đưa đoàn phóng viên về thực tế tại huyện Vũ Quang, ông Đào Ngọc Ninh, cán bộ điều phối chương trình của Tổ chức phi chính phủ quốc tế ActionAid tại Việt Nam (AAV) vui mừng cho hay, Vũ Quang là một trong những huyện đầu tiên được tổ chức triển khai dự án giảm nhẹ và phòng ngừa thiên tai. Dự án "Xây dựng khả năng chống đỡ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các xã thường xảy ra thiên tai tại tỉnh Hà Tĩnh", do Văn phòng Viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua AAV và Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Hà Tĩnh tài trợ với tổng giá trị tài trợ khoảng 340.000 euro. Đến nay, qua 15 năm hợp tác những hỗ trợ của dự án cho địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong quá trình thực hiện, chương trình luôn nhận được sự hợp tác rất tốt từ các cấp chính quyền địa phương và người dân.
Đứng bên con sông Ngàn Sâu, ôm quanh hai xã Đức Bồng, Đức Giang, hướng tay chỉ ngấn nước còn sót lại áp mái một ngôi nhà, ông Bùi Duy Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Giang, kể: Đấy, dấu tích của trận lũ lịch sử của cơn bão Ketsana (bão số 9, năm 2010). Dù không nằm trong tâm bão nhưng ảnh hưởng của cơn bão khiến hai xã Đức Giang và Đức Bồng bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Có nơi, mức nước dâng cao tới 8-9m. Nhưng điều đáng nói là dù thiệt hại do cơn bão gây ra với Đức Giang là rất lớn, khoảng 35 tỷ đồng, toàn huyện Vũ Quang là trên 500 tỷ đồng, nhưng không gây thiệt hại nào về người.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có được kết quả như vậy là do công tác phòng đã được thực hiện tốt. Kết hợp với dự án do AAV triển khai, người dân được trang bị kiến thức về 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thêm vào đó, một bản đồ phòng tránh thiên tai do dự án hỗ trợ trong đó ghi rõ các điểm "nóng" như: gia đình chính sách, gia đình neo đơn, phụ nữ chủ hộ, những khu vực nguy hiểm khi xảy ra thiên tai… đã giúp công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời và chủ động hơn nhiều.
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 3, tháng 4, lãnh đạo huyện, xã triển khai họp Ban phòng chống bão lụt đến tận từng thôn xóm, chuẩn bị công tác 4 tại chỗ, chuẩn bị thuyền lớn, thuyền nhỏ, bảo đảm lương thực dự trữ 5-6 ngày... Cứ vài tháng một lần, đội cứu hộ thôn lại tổ chức diễn tập cứu hộ cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp như khi bão lũ đến. Anh Lê Đình Hòa, một người dân xã Đức Bồng, tâm sự, người dân nơi đây bao đời nay luôn phải canh cánh nỗi lo mỗi khi mùa lũ đến, nhưng bây giờ thì khác rồi. Khi lũ đến, bà con đã bớt vất vả nhiều nhờ làm tốt công tác phòng bị. Qua ba mùa mưa bão, xã Đức Bồng, Đức Giang đã không có thiệt hại lớn về tài sản và đặc biệt là không có người chết, mất tích do lũ.
Rõ ràng, cùng với nỗ lực của chính quyền các cấp và người dân địa phương, những dự án của NGOs nói chung và dự án do AAV triển khai tại Hà Tĩnh nói riêng đã giúp bà con miền Trung chủ động phòng chống thiên tai ngày một hiệu quả, tạo cuộc sống bình yên cho nhân dân vùng bão lũ.