Ngôi vị cường quốc bị lung lay?
Thế giới - Ngày đăng : 07:34, 12/08/2011
Khó khăn về kinh tế khiến ngân sách dành cho quốc phòng Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị cắt giảm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang rất lo ngại về vấn đề này vì ngoài bảo đảm an ninh, liệu Mỹ có duy trì được ngôi vị cường quốc quân sự như hiện nay?
Dự kiến chi tiêu dành cho quân đội Mỹ trong năm 2012 sẽ lên đến 671 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng chi phí quốc phòng của cả thế giới. Nhưng, ngày 4-8 vừa qua, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức (đầu tháng 7), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tỏ ra "đặc biệt lo ngại" về khả năng ngân sách dành cho Lầu Năm Góc sẽ bị cắt giảm lớn để bù đắp thâm hụt chi tiêu của Chính phủ Mỹ. Giới quân sự Mỹ có lý do để lo lắng vì 1/3 trong số 2,4 nghìn tỷ USD cắt giảm chi tiêu chính phủ liên quan đến cắt giảm ngân sách quốc phòng. Theo thỏa hiệp tại Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công vừa được thông qua đầu tháng 8, ngân sách dành cho quốc phòng sẽ bị cắt giảm 350 tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu từ nay đến cuối năm, Ủy ban đặc biệt của hai đảng tại Quốc hội không đạt được một thỏa thuận cắt giảm chi tiêu của giai đoạn hai, ngân sách quốc phòng sẽ còn có nguy cơ bị cắt giảm thêm 600 tỷ USD. Cộng lại, ngân sách quân sự sẽ bị cắt giảm 950 tỷ USD.
Nếu đề xuất cắt giảm lớn thành hiện thực, có thể sẽ đẩy binh sĩ Mỹ vào vòng nguy hiểm do không được trang bị những vũ khí tốt nhất; cũng như an ninh Mỹ bị đặt dấu hỏi lớn. Hiện Mỹ vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức, nhất là việc Trung Quốc, nước có tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, những quan ngại trên bán đảo Triều Tiên, Iran cùng các tổ chức Al Qaeda vẫn phát triển hùng mạnh ở Yemen, Somalia sau khi bị truy quét ở Afghanistan và Pakistan… khiến việc cắt giảm ngân sách đem lại nhiều lo lắng cho quân đội Mỹ trong bảo vệ nội địa cũng như bảo vệ lợi ích của "chú Sam" trên toàn cầu.
Dù mới chỉ là dự báo nhưng nếu việc cắt giảm ngân sách diễn ra thì nền quốc phòng Mỹ sẽ suy giảm đáng kể. Đó là quân số sẽ buộc phải tinh giản; sự hiện diện của Mỹ ở các khu vực có ý nghĩa chiến lược như Đông Á cũng giảm; nhiều hợp đồng mua vũ khí như tàu chiến, máy bay vận tải quân sự và máy bay ném bom tàng hình... cũng sẽ bị hủy bỏ. Quan trọng hơn, khi lĩnh vực quân sự phải thu nhỏ, nước Mỹ sẽ buộc phải xem xét lại chiến lược quân sự hiện nay. Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các đồng minh, "chia sẻ gánh nặng" với các thành viên NATO. Do đó, làm thế nào để cắt giảm ngân sách nhưng quân đội Mỹ vẫn bảo vệ được an ninh quốc gia ở mức cao nhất, cũng như duy trì vị trí tốt nhất có thể của Washington trên trường quốc tế là một thách thức lớn của Mỹ trong thời gian tới.