Rằm tháng bảy, tiền tỷ lại hóa tro

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 12/08/2011

(HNM) - Lễ Vu Lan báo hiếu, Rằm tháng bảy xá tội vong nhân mà dân gian gọi là ngày cúng chúng sinh đang đến rất gần. Cùng với đó, tục đốt vàng mã cũng biến tiền tỷ thành tro.

Rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng mua những biệt thự giấy để đốt, gửi về thế giới bên kia. Ảnh: Ý Như


Tiền thật mua đồ giả


Cũng như mọi năm, từ đầu tháng bảy âm lịch, khắp các nẻo đường, góc phố của Thủ đô, đâu đâu cũng tấp nập kẻ mua, người bán vàng mã, đồ mã, bỏng ngô, bánh đa, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè... để chuẩn bị lễ báo hiếu, cúng chúng sinh... Sôi động nhất vẫn là phố Hàng Mã - nơi được coi là "kinh đô thời trang" và hàng tiêu dùng của người âm. Nào quần áo, giày dép, nồi, niêu, nào nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, thuyền rồng, ngựa bạch, máy tính, tivi, ôsin, đĩa ca nhạc... Người mua 5.000 đồng/lễ các cửa hàng cũng bán, mà mua đến vài chục triệu/lễ các cửa hàng cũng... chiều. Thậm chí nhiều cửa hàng còn có người "tư vấn" giúp gia chủ chọn đồ mã sao cho phù hợp với sở thích, tính cách, công việc của người đã khuất như khi còn sống... Khách sắm lễ cũng đa dạng, người mua ít thì chở bằng xe máy, mua nhiều chở bằng ô tô, xe nào xe nấy đều chất kín. Các phố khác như Lương Văn Can, Nguyễn Trãi, Đồng Xuân... cũng nhộn nhịp không kém.

Giá đồ mã năm nay được các chủ cửa hàng cho biết tăng 20-30% so với năm 2010. Giá mã truyền thống trọn bộ 50.000 - 100.000 đồng; một chiếc xe máy Dream loại nhỏ giá thấp nhất là 70.000 đồng, xe SH có giá 100.000-150.000 đồng, xe ô tô loại 4 chỗ có giá 150.000-200.000 đồng, xe 7 chỗ giá khoảng 170.000-250.000 đồng, một số dòng xe "xịn" như Rolls Royce, Maybach, Lexus… có giá từ 270.000-300.000 đồng. Không những thế, đồ mã năm nay còn xuất hiện "thời trang cõi âm" giống y như thật với mác hàng hiệu nổi tiếng như áo phông body, quần bò ống côn, váy đầm ống, giá 150.000 - 300.000 đồng/chiếc và bán chạy gấp đôi, gấp ba lần bộ mã truyền thống...

Thực trạng trên đã phần nào phản ánh nhu cầu sử dụng đồ mã của người dân không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng kể cả khi Nghị định số 75/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã ban hành được hơn một năm.

Tục xưa không đốt vàng mã


Nói về lễ cúng Rằm tháng bảy, Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay: Tục xưa mọi nhà đều sắm hai lễ để cúng: Lễ cúng gia tiên gồm hương hoa, rượu xôi, mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biến cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy. Lễ cúng chúng sinh gồm bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè, cháo hoa, vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh... "Lễ chỉ đơn giản vậy chứ không phải mâm cao cỗ đầy, vàng mã chất ngất như mọi người thường nghĩ" - Thượng tọa Thích Thanh Duệ khẳng định.

Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Tích cũng cho rằng: Tục đốt vàng mã xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không nằm trong Phật giáo. Đốt vàng mã là tùy tiện, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần Phật giáo. Càng không đúng khi nhiều người cho rằng đốt thật nhiều vàng mã để cha mẹ ở thế giới bên kia được sung sướng, đủ đầy là một trong những hành động báo hiếu. Việc báo hiếu ấy nên được thể hiện bằng những hành động thiết thực hơn như thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc cha mẹ, là chỗ dựa cho cha mẹ khi về già...

Khó quản lý?

Vẫn biết việc đốt đồ mã là lãng phí, song nhiều cán bộ quản lý văn hóa cho rằng rất khó để đưa hoạt động này vào nền nếp bởi nhu cầu còn lớn thì nguồn cung còn dồi dào. Như ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng VH-TT huyện Thanh Trì chia sẻ: Mua, bán, đốt vàng mã thuộc về vấn đề tâm linh, tín ngưỡng và đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam nhiều thế hệ nên không dễ để xử lý. Mặt khác, việc mua bán, sử dụng đồ mã xuất phát từ nhu cầu của cá nhân hay gia đình, nên các cơ quan hữu quan chưa thể "với tay" tới.

Thừa nhận chống lãng phí bằng cách hạn chế đốt đồ mã là không dễ, song theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông Vũ Bích Hiền, để hạn chế đốt vàng mã không quá khó. Phường Hàng Bông đã thường xuyên tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân hạn chế sử dụng đồ mã qua hệ thống loa truyền thanh, qua các cuộc họp tổ dân phố; đồng thời triển khai ký cam kết giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, không đốt đồ mã nơi công cộng đến từng hộ gia đình. Trên cơ sở đó, phường thành lập tổ công tác, thường xuyên đi khắp 12 tuyến, ngõ phố để kiểm tra, phát hiện thấy trường hợp nào vi phạm sẽ chụp ảnh làm bằng chứng, rồi lập biên bản và báo cáo để UBND phường có biện pháp xử lý. Bằng biện pháp này, hai năm trở lại đây, phường Hàng Bông chỉ có một trường hợp duy nhất ở phố Tràng Thi đốt đồ mã trên vỉa hè. Như vậy, nếu chính quyền các địa phương ráo riết vào cuộc, nếu người dân có nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa của ngày Rằm tháng bảy, sự lãng phí trong việc đốt vàng mã sẽ từng bước được giải quyết và tiền tỷ không bị đốt thành tro.

Hòa thượng Tố Liên, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) giải thích: Rằm tháng bảy là ngày Mục Kiều Liên cứu bà Thanh Đề. Mục Kiều Liên tu được 6 phép thần thông thì mắt ông trông thấy thân mẫu là bà Thanh Đề phải đày đọa ở địa ngục mà không sao cứu nổi nên mới cầu đến đức Phật. Đức Phật mới dạy rằng: "Dẫu ông có thần thông đến đâu chăng nữa cũng không thể cứu được tội, nghiệp của thân mẫu ông. Muốn cứu thân mẫu, ông phải nhờ đến công đức tu hành của chư tăng. Ngày Rằm tháng bảy sắp tới đây sẽ là ngày của chư phật hoan hỷ, ngày của chư tăng hành đạo tự tứ, ông phải chí thành sắm lễ nghi trai đàn đem dâng cúng dàng chư tăng, các ngài sẽ cầu nguyện cho thân mẫu ông được giải thoát". Ý nghĩa của ngày Rằm tháng bảy là như vậy, không có tục đốt vàng mã.

Minh Ngọc