Hội đồng cấp Nhà nước chính thức tiếp nhận 782 hồ sơ xét tặng
Văn hóa - Ngày đăng : 17:27, 11/08/2011
NSND Y Moan đã được Hội đồng Nhà nước xét đặc cách vì
những cống hiến của ông trong sự nghiệp âm nhạc.
(HNMO)- Chiều 11/8, Bộ VH,TT&DL đã họp báo công bố về tình hình tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Tham dự có ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, ông Tô Văn Động – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VH,TT&DL, ông Nguyễn Hải Anh- Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng của Bộ VHTTDL và đại diện Cục Điện ảnh VN, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sỹ và đông đảo báo giới đến dự.
Theo đó, tính đến thời điểm này, Thường trực Hội đồng cấp Nhà nước – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận 782 hồ sơ do các Hội đồng cấp Bộ, ngành, tỉnh/thành trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Trong đó: Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm 17 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình cụm công trình; Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước gồm: 250 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình cụm công trình; Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND: 96 hồ sơ; Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT: 419 hồ sơ.
Tất cả các hồ sơ đều được xét duyệt theo đúng luật
Trả lời những thắc mắc của báo giới về những vụ “lùm xùm” trong việc khiếu nại hồ sơ.
Cũng tại cuộc họp báo chiều 11/8, ông Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Bộ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu NSND, NSƯT năm 2011, cũng cho biết: Sở dĩ có việc xảy ra những “lùm xùm” này là do một số nghệ sỹ chưa nắm được cách thức, điều lệ, quy chế xét thưởng. Việc xét thưởng luôn được hội đồng cấp Bộ thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, chính xác và đảm bảo công khai.
Ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng của Bộ VHTTDL cũng khẳng định, năm nay Hội đồng xét duyệt cấp bộ cũng thực hiện đổi mới trong công tác thẩm định, qua 6 bước và chấm chéo nhau, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan. Bên cạnh đó, cách thành lập hội đồng cũng được đổi mới. Bộ lập 13 hội đồng trong đó có 9 hội đồng xét giải thưởng và 4 hội đồng xét danh hiệu. Mỗi hội đồng từ 5-7 thành viên, các thành viên trong hội đồng đều được gửi trước trích ngang hồ sơ gửi xét từ 3-5 ngày, nhằm giúp cho các thành viên trong hội đồng có thể nắm được thông tin chính xác về hồ sơ xét tặng. Bên cạnh đó, các thành viên cũng phải làm bản nhận xét đối với hồ sơ khi chấm. Đặc biệt, khi hội đồng cấp Bộ xét xong, danh sách các hồ sơ được gửi lên Hội đồng chuyên ngành đều được Bộ công khai. Ông Hải Anh cũng cho biết thêm, khi Bộ tiếp nhận hồ sơ từ Hội đồng cơ sở gửi lên đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh thì Hội đồng cấp Bộ phải duyệt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, chứ không được phép thấy “non”- chưa đủ Giải thưởng Hồ Chí Minh thì đưa vào xét tặng Giải thưởng Nhà nước để vừa đảm bảo nguyên tắc chính xác, vừa đảm bảo công bằng, minh bạch.
Giải quyết triệt để các vụ “lùm xùm”
Về các vụ việc kiện tụng “lùm xùm” các nghệ sỹ, ông Nguyễn Hải Anh cũng khẳng định, thì việc kiện tụng của các nghệ sỹ thuộc Hội đồng cơ sở nào thì Hội đồng đó phải có trách nhiệm giải quyết triệt để.
5 nhạc sĩ: nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, Đoàn Bổng, Thế Song,
Ngọc Khuê, Lê Việt Hòa.
Cụ thể như hợp 5 nhạc sĩ: Đinh Quang Hợp, Đoàn Bổng, Thế Song, Ngọc Khuê, Lê Việt Hòa kiện Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở lên Bộ VHTTDL vì đã không minh bạch, công tâm trong việc xét duyệt, khiến các ông không có tên trong danh sách đề cử lên Bộ. Nhạc sỹ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, đại diện Hội đồng cấp cơ sở đã giải thích: “Do 5 nhạc sỹ này nộp hồ sơ đề nghị đối với cụm tác phẩm. Khi hội đồng cơ sở bỏ phiếu thì không vượt quá 75% số phiếu. Vì thế các nhạc sỹ không có tên trong danh sách cơ sở gửi lên Bộ”. Tuy nhiên, khi có yêu cầu của hội đồng cấp Bộ yêu cầu tách các tác phẩm ra để bỏ phiếu thì các nhạc sỹ đã có đạt quá 75% số phiếu và đã được bổ sung vào hồ sơ gửi hội đồng cấp Bộ. Và từ chỗ ban đầu không có tên trong danh sách cơ sở gửi lên Hội đồng cấp Bộ, hai nhạc sỹ Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê đã có tên trong danh sách được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước.
Đạo diễn Nguyễn Thước và nhà biên kịch Phan Huyền Thư.
Còn trong trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước, khi ông nộp hồ sơ đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước với các bộ phim tài liệu “Sự nhọc nhằn của cát”, “Chất xám”, “Những công dân @”… thì gặp phải sự phản ứng gay gắt của hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Khánh Hải thì, đó là do hai nhà biên kịch chưa hiểu rõ vấn đề. Họ có thể có đóng góp với tác phẩm, nhưng họ có thể gửi kịch bản sang xét duyệt ở Hội Nhà văn. Và đạo diễn Nguyễn Thước có quyền đề nghị xét Giải thưởng với tư cách là đạo diễn. Tuy nhiên, do không có sự không đồng thuận của các tác giả, nên đạo diễn Nguyễn Thước vẫn không có tên trong danh sách xét duyệt lần này.
Sẽ cải tiến hoàn thiện Thông tư
Trả lời những thắc mắc của báo giới trong việc xét đặc cách, ông Nguyễn Hải Anh - Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng của Bộ VHTTDL cũng cho rằng, Bộ sẽ xem xét kỹ lưỡng các trường hợp xét duyệt đặc cách. Tuy nhiên, việc xét đặc cách cũng phải đúng theo quy chế. Cụ thể, trong trường hợp các nghệ sỹ có đóng góp, cống hiến đặc biệt, nhưng chưa đủ số năm thì Bộ có thể xét, bỏ phiếu. Tuy nhiên, việc này yêu cầu số phiếu phải đạt 100% sự đồng thuận của Hội đồng mới được xét tặng. Cụ thể, trong trường hợp của nghệ sỹ Bùi Công Duy, mới chỉ có 6 năm, chưa đủ tiêu chuẩn xét tặng. Nhưng sau khi bỏ phiếu xét đặc cách thì Bùi Công Duy lại không đủ số phiếu, vì vậy tôi rất tiếc cho trường hợp này.
Nghệ sỹ Bùi Công Duy được đánh giá rất cao về những cống hiến
của anh cho sự nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, anh lại chưa đủ số
phiếu bầu để xét đặc cách.
Ông Lê Khánh Hải cũng cho biết, qua đợt xét giải thưởng, danh hiệu lần này, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện thông tư hướng dẫn xét thưởng cho những năm tiếp theo.
Như vậy, sau khi tiếp nhận các Hồ sơ từ Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Nhà nước sẽ tổ chức 9 hội đồng chuyên ngành xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và 5 hội đồng chuyên ngành xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Hội đồng cấp Nhà nước chuyên ngành đang tích cực hoàn tất công tác đọc, thẩm định hồ sơ. Sau khi có kết quả của Hội đồng cấp Nhà nước (chuyên ngành), Bộ VHTTDL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Kết quả xét chọn của Hội đồng cấp Nhà nước sẽ được trình lên Chủ tịch nước để xem xét, phong tặng. Dự kiến, đợt phong tặng các giải thưởng, danh hiệu sẽ diễn ra dịp 2/9.