Chỉ là giảm lỗ ?

Xe++ - Ngày đăng : 07:10, 11/08/2011

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ban hành thông tư mới (có hiệu lực từ ngày 1-10-2011) quy định nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút, bằng với mức tính cước kết nối chiều gọi từ cố định đến di động


Phát triển mạng lưới, dịch vụ điện thoại cố định sẽ góp phần bảo đảm tính bền vững cho   thị trường viễn thông. Ảnh: Thanh Hải

Thời gian qua, sự phát triển nhanh của dịch vụ di động đã "đẩy" điện thoại cố định vào tình thế đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ di động đạt doanh thu cao và tăng thị phần thì DN cung cấp dịch vụ cố định càng bị thu hẹp cả doanh thu lẫn thuê bao. VNPT Hà Nội tuy chiếm tới 85% thị phần dịch vụ cố định nhưng doanh thu ngày càng giảm: năm 2010, doanh thu giảm 13% so với năm 2009; năm 2009 giảm 10,6% so với năm 2008 và năm 2008 giảm khoảng 10,3% so với năm 2007… Tính chung, mỗi năm có khoảng 60.000 máy ngừng hoạt động và dự kiến dịch vụ này tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) - chiếm phần lớn thị phần cố định cho biết, hằng năm lượng thuê bao cố định phát triển mới vẫn tăng nhưng thuê bao rời bỏ mạng cố định cũng không ít, có những thời điểm thuê bao ngừng hoạt động nhiều hơn số thuê bao mới. Một số liệu thống kê khác của Bộ TT-TT từ năm 2006 đến năm 2009 cho thấy, khi thuê bao cố định tăng gấp đôi (từ 8,5 triệu lên 17,4 triệu) thì thuê bao di động tăng gấp 5,2 lần (từ 18,8 triệu lên 98,2 triệu)… Trong đó, lượng thuê bao cố định tăng chủ yếu tập trung vào thuê bao điện thoại cố định không dây (sử dụng hạ tầng mạng di động).

Dẫn chứng trên cho thấy, DN cung cấp dịch vụ điện thoại cố định đang ngày càng gặp khó khăn, nhưng vấn đề ở chỗ khi doanh thu giảm, DN khó có thể tái đầu tư duy trì mạng lưới, trong khi mạng cố định hữu tuyến (có dây) được coi là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia. Vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã nhiều lần kiến nghị Bộ TT-TT điều chỉnh cước kết nối. Hiện nay cước gọi từ cố định đến đi động, DN phải trả cho nhà mạng di động 415 đồng/phút thì chiều gọi ngược lại, DN cung cấp dịch vụ di động chỉ phải trả cho DN cố định có 270 đồng/phút. Trong lần làm việc với VNPT Hà Nội mới đây, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã thừa nhận sự bất hợp lý trong cách tính cước kết nối và cho biết sẽ nghiên cứu để có sự điều chỉnh hợp lý.

Khi cước kết nối được điều chỉnh ở mức ngang bằng nhau (cả chiều gọi đi và gọi đến) là có lợi cho DN cung cấp dịch vụ cố định. Nhưng vấn đề đặt ra, việc điều chỉnh cước kết nối đó sẽ tác động như thế nào đến người tiêu dùng? Vì đây là cuộc điều chỉnh cước giữa các DN nhưng trong bối cảnh thị trường di động đang bão hòa, bản thân các nhà mạng cũng đang gặp không ít thách thức, liệu khi cơ quan quản lý tăng cước kết nối như thế này, các nhà mạng có "bắt" khách hàng san sẻ? Một chuyên gia trong ngành cho biết, nhìn chung các DN cung cấp dịch vụ di động cũng không bị ảnh hưởng nhiều, vì thực tế cuộc gọi xuất phát từ mạng cố định sang mạng di động chiếm phần lớn. Vì thế, không có chuyện nhà mạng di động lại "vin" vào đây để điều chỉnh cước mới. Như vậy, việc tăng cước kết nối chiều gọi từ di động sang cố định này chủ yếu là giải pháp giúp các DN cố định giảm lỗ.

Đại diện Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT) khẳng định, việc điều chỉnh này không trực tiếp ảnh hưởng đến mức phí của người sử dụng dịch vụ di động. Đây là một trong những giải pháp tạo điều kiện phát triển mạng lưới, dịch vụ điện thoại cố định nhằm bảo đảm cho thị trường viễn thông phát triển bền vững. Hơn nữa, theo kinh nghiệm quốc tế, việc duy trì, phát triển mạng điện thoại cố định nội hạt về lâu dài bảo đảm được các yêu cầu về phổ cập dịch vụ cho người dân, nhất là người nghèo và các vùng khó khăn, đáp ứng được nhu cầu về an toàn an ninh thông tin…

Việt Nga