Chưa được quan tâm

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 11/08/2011

(HNM) - Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vừa xảy ra tại xưởng giày ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng làm 13 lao động tử vong, hơn 20 lao động (LĐ) bị thương nặng là bài học đau xót và hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về thực hiện an toàn lao động (ATLĐ) cũng như bảo đảm quyền lợi cho NLĐ làm việc tại xưởng sản xuất, làng nghề ở khu vực nông thôn…

"Trắng" quyền lợi…

Hơn 20 công nhân bị thương rất nặng trong vụ cháy đã phải chuyển lên Viện Bỏng quốc gia từ hơn 1 tuần nay. Chi phí điều trị cho số người này rất lớn, người nặng nhất có thể lên đến cả chục triệu đồng/ngày. Thế nhưng không một ai trong số họ có bảo hiểm y tế. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, bệnh viện, phải tự trả khoản chi phí điều trị như vậy, họ sẽ không đủ sức kham nổi bởi gia đình họ đều nghèo.

Người lao động làm việc tại các xưởng sản xuất, cần được bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động. Ảnh: Thái Hiền

Với hàng trăm xưởng sản xuất trong hệ thống làng nghề của Hà Nội, không ai dám chắc rằng, những trường hợp đau xót như trên sẽ không xảy ra. Ngoài một số ít doanh nghiệp lớn có đầu tư xây dựng xưởng và kho bãi, hầu hết cơ sở sản xuất đều nằm trong khu dân cư, nguyên liệu sản xuất dễ gây cháy nổ, kể cả dầu nhớt, dung môi đều tận dụng góc bếp, mái hiên, sân nhà, vừa làm kho vừa làm nơi sản xuất. Ngoài nguy cơ cháy nổ gây thương tích, chết người NLĐ đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe lâu dài do môi trường làm việc ô nhiễm nghiêm trọng trong khi các phương tiện bảo hộ LĐ chỉ mang tính chất... tượng trưng. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ LĐ thực hiện tại các làng nghề cho thấy, chỉ có 21% LĐ trong các làng nghề có sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng không thường xuyên hoặc chỉ là các phương tiện bảo vệ đơn giản như khẩu trang, găng tay, không có quần áo, mũ BHLĐ; 15,4% số LĐ chưa hề sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân; 100% LĐ làm việc tại nơi có tiếng ồn cao không có phương tiện bịt tai, hay nút chống ồn… Hầu hết quyền lợi cơ bản của NLĐ làm việc tại cơ sở sản xuất trong các làng nghề như được ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), đóng BHXH, BHYT... không được bảo đảm. Chủ sử dụng thường viện cớ rằng, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống chỉ tuyển LĐ theo mùa vụ, thường là người nhà hoặc thuê người làng làm việc trong lúc nông nhàn nên chỉ cần giao việc bằng miệng và trả lương đầy đủ là xong. NLĐ thường không hiểu và không được biết đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên việc quan tâm hàng đầu của họ là tiền công, tiền lương được trả có đủ hay không chứ không phải là việc phải bỏ ra một khoản để chi trả cho những chế độ BHXH, BHYT hay BH thất nghiệp…

Chưa có giải pháp tối ưu

Nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã tính đến nhiều biện pháp để bảo đảm quyền lợi cũng như ATLĐ cho lao động làng nghề. Cùng với nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ của chủ cơ sở sản xuất lẫn NLĐ thì việc đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bảo hiểm và đưa hình thức bảo hiểm phù hợp về với NLĐ làng nghề là việc làm cần thiết. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Trọng Thắng - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, cơ quan BHXH đang đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của chế độ BHXH với những chủ sử dụng lao động và NLĐ làm việc tại khu vực này. Với đặc thù của lao động làng nghề thì áp dụng BHXH tự nguyện là phù hợp nhất. Ngành BHXH Hà Nội dự kiến triển khai thí điểm tại một số làng nghề nếu kết quả tốt thì sẽ nhân rộng.

Song thực tế cũng đặt ra vấn đề là BHXH tự nguyện mới bảo đảm NLĐ sau thời gian công tác, đủ tuổi và đóng BH đủ số năm quy định sẽ được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất như những LĐ tham gia BHXH bắt buộc, còn chế độ BHYT khi ốm đau, bệnh tật phát sinh trong quá trình làm việc thì lại không được chi trả mà đây lại là điều mà nhiều LĐ tại làng nghề đang cần. Có lẽ ngành BHXH chưa tính đến các vấn đề phát sinh khác từ việc thiếu BHYT cho lao động làng nghề. Hiện tại, các chi phí khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nghề nghiệp đều do họ chi tiền túi trong khi BHYT có thể chi trả cho họ đến 80% chi phí. Chính vì phải bỏ tiền túi chữa bệnh nên nhiều NLĐ ngại chữa bệnh và đó cũng là kết cục đau lòng của nhiều hoàn cảnh thương tâm mà đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống.

Trong khi chờ đợi các giải pháp tối ưu từ cơ quan BHXH, các chuyên gia về an toàn LĐ cho rằng, để giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cũng như những nguy cơ có ảnh hưởng, đe dọa sức khỏe người LĐ tại các làng nghề thì việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp tập trung, đưa xưởng nghề tách khỏi khu dân cư, hiện đại hóa thiết bị sản xuất… là giải pháp cần thiết và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp liên quan.

Hoàng Phong