Góp tiếng nói chống tiêu cực
Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 11/08/2011
"Cách nhau cái dậu mồng tơi" - chuyện tình của cô Chén (con ông bà Ấm) và cậu Vàng (con ông bà Tiền) ở làng nọ sắp đến hồi hạnh phúc thì "cơn bão" giá đất đã khiến hai gia đình xảy ra tranh chấp làm xáo trộn tất cả. Ông Tiền xô ông Ấm ngã. Dao tự đâm vào người. Ông Ấm chết. Công an xã Bạc (em ruột ông Tiền) bày mưu kìm Phích (con ông Ấm) không cho đi kiện. Không chỉ vậy, ông Tiền và Bạc vẫn hục hặc nhau về việc chia đất cát, của cải. Bạc lừa lấy vàng của anh ruột, nói để lo lót bên trên. Bạc vu cho Phích tàng trữ ma túy để mặc cả, khiến Phích bán rẻ cái chết của cha lấy bồi thường. Tình yêu của Chén và Vàng đứng giữa ngã ba. Vì "Bố anh giết bố em, ông nội giết ông ngoại" - bởi Chén đã có mang 4 tháng. Giờ phải làm sao? Rất nhiều nút thắt hấp dẫn hơn qua diễn xuất của dàn diễn viên tài năng.
Nghệ sĩ Danh Nhân trong vai ông Ấm khá đạt. Người xem thấy được người nông dân ấy sao hiền lành, chất phác, khiêm nhường đến vậy. Mà bà vợ do nghệ sĩ Quế Hằng diễn lại đay đả, cay cú và hám của nhiều thế dù mới đổi đời do đất lên giá. Vai ông Tiền của nghệ sĩ Quốc Khánh mới thực sự ấn tượng. Con người ngây ngô ra sao, hoảng loạn như thế nào, sợ sệt khi bị đi tù để đến lúc thành con mồi ngờ nghệch cho em bòn rút… được anh nhập vai đến thán phục... Vàng và Chén do Văn Quan và Diễm Hương thể hiện rõ được sự trong trắng, ngây thơ, thủy chung cho dù là nạn nhân xấu số nơi cái làng chỉ còn "cây với chỉ, đất với cát, không còn tình làng, nghĩa xóm". Thật xúc động khi chứng kiến cảnh kết, hai người trẻ lệ rơi, dắt nhau đi khỏi làng. Có thể nói, hiếm tập thể diễn viên nào vào các vai diễn chu đáo, kỹ càng đến thế. Sân khấu của họa sĩ Doãn Bằng thiết kế cũng tạo thế cho diễn viên thể hiện với hai phần được ngăn bằng hàng rào mồng tơi.
"Hàng rào của hai nhà" là tên đổi từ kịch bản "Khi giàn mồng tơi gẫy dập" của tác giả Nguyễn Hiếu đã được trao giải B - kịch bản xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2010. Đạo diễn Lê Hùng đã có công sắp xếp lại câu chuyện, so với kịch bản gốc, thêm một số cảnh, thay nhiều lời thoại bằng hành động sân khấu, làm xoay chuyển tình huống kịch.
Để lại một cái kết lửng, khi Chén và Vàng nói câu cuối đau xót "Làng này không phải của mình nữa rồi" và ra đi, "Hàng rào của hai nhà" mang đến cho người xem nhiều ngẫm ngợi về giá trị đạo đức con người. Với vở mới này, Nhà hát Kịch Việt Nam muốn góp tiếng nói đấu tranh chống tiêu cực, phản ánh thực tế mặt trái của thời buổi kinh tế thị trường. Vở diễn sẽ được đưa tới những vùng giáp ranh và ven đô để phục vụ công chúng.