Y tế xã, phường phòng, chống dịch bệnh: Lực bất tòng tâm
Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 10/08/2011
Giữa cái nắng cháy da, PV Hànộimới tìm về Trung tâm Y tế phường 11 (quận 8), nơi có ca bệnh nhi mới tử vong vì bệnh TCM. Quận 8 cũng là nơi có số ca mắc TCM và SXH nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh tính từ đầu năm đến nay, với gần 580 ca TCM và gần 590 ca SXH.
"Trung tâm chỉ có một bác sĩ nhưng hôm nay đi vắng" - y sĩ Lê Thanh Tuấn, Phó Trưởng trạm y tế phường 11, cho biết: "Theo quy định một trạm y tế phải rộng tối thiểu 250m2, nhưng trung tâm chỉ rộng chưa đầy 50m2. Chỉ có 2 tầng, vào những ngày tiêm chủng mở rộng thì chật không thở nổi. Đã vậy, phương tiện khám, chữa bệnh cũng thô sơ, nên dễ hiểu vì sao người dân ngày càng ít mặn mà với y tế phường". Khi được hỏi về công tác phòng, chống dịch, anh Tuấn khẳng định, trung tâm đã áp dụng đủ các biện pháp mà trung tâm y tế quận triển khai, như phát thuốc diệt khuẩn Cloramin B và tờ rơi; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh tới người dân… Nghe anh nói mà thấy băn khoăn. Lực lượng thì mỏng (chỉ có 8 cán bộ) mà phải chăm sóc sức khỏe, kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho gần 9 nghìn người dân, chả hiểu có hiệu quả hay không?
Cũng trong tình cảnh khó khăn như bao trung tâm, trạm y tế phường khác ở TP, năm nào phường 15 cũng nằm trong danh sách những địa phương có số ca SXH cao nhất trên địa bàn quận 8. Từ đầu năm đến nay, khi dịch TCM bùng phát thì phường này cũng "giành kỷ lục" vì có số ca mắc TCM cao nhất quận. Bác sĩ Võ Văn Năm, Trưởng trạm y tế phường, than thở: "Trạm cũng làm hết cách rồi nhưng dịch bệnh vẫn tăng. Phường có tới 38.000 dân, tăng gấp đôi so với 3 năm trước, kéo theo hàng loạt hệ lụy về môi sinh, môi trường, nhưng trạm chúng tôi chỉ có 5 người, "ôm" không xuể trước một mớ công việc như vậy!".
Lực bất tòng tâm
Nêu lý do vì sao quận 8 lại trở thành điểm nóng về TCM và SXH của TP, bác sĩ Trần Hưng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 8 cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ y tế phường, xã vừa thiếu lại không chuyên, trong khi mức sống của người dân còn thấp nên không bảo đảm vệ sinh hằng ngày. Quận 8 hiện có hơn 400 nghìn dân, nhưng có tới 26 nghìn ngôi nhà nằm ven kênh, chủ yếu là người nơi khác đến trọ vì tiền thuê nhà rẻ hơn so với khu vực gần trung tâm. Đây cũng chính là lý do khiến nơi đây trở thành "tụ điểm" phát sinh dịch TCM và SXH của TP.
Một nghịch lý ai cũng thấy là dù có đầu tư đến mấy nhưng hoạt động của tuyến y tế cơ sở vẫn không hiệu quả là bao. Năm ngoái, Sở Y tế đã chi (nguồn chi không thường xuyên) tới 30 tỷ đồng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các trạm, nhưng đến nay mới chỉ 238/322 trạm đạt chuẩn của Bộ Y tế. Điều đáng nói là dù có đạt chuẩn thì hoạt động của các trạm y tế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, vẫn còn nhiều hạn chế.
Quy định của Bộ Y tế nêu rõ, để chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân, các địa phương phải bảo đảm có một bác sĩ/10 nghìn dân. Song lực lượng y tế biên chế tại 16 phường của quận 8 chỉ có khoảng 130 người. "Lực lượng mỏng nên nhiều khi không thể đáp ứng hết được yêu cầu của người dân, thậm chí nhiều trung tâm y tế phường còn không có bác sĩ. Ngay như tôi đây là bác sĩ chuyên chữa bệnh mà vẫn phải làm công tác y tế dự phòng, nhưng mà lực bất tòng tâm"- bác sĩ Phong nói.
Được biết, hiện ngoài lương cơ bản, các bác sĩ ở đây được cộng thêm 600.000 đồng/tháng, y sĩ được thêm 300.000 đồng/tháng. Thế nhưng, trong bối cảnh "bão giá", với tổng thu nhập trung bình chỉ khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng, liệu lực lượng y tế phường có thể yên tâm làm việc hết mình?
Hằng năm, bệnh TCM có hai đỉnh dịch (tháng 3-5 và 9-11), trong đó đỉnh cuối năm thường cao hơn đầu năm. Để giúp mạng lưới y tế cơ sở làm tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống các dịch bệnh trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" đang là mục tiêu quan trọng cần được các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh ưu tiên hàng đầu.