Chất lượng và nguồn tuyển sinh ĐH: Làm sao cân bằng?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:48, 09/08/2011
Thí sinh xem kết quả điểm thi tại Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên
Giữ mức sàn, nhiều trường sẽ… tan?
Trước khi cuộc họp quyết định điểm sàn của Bộ GD-ĐT, dư luận đã "nóng" lên với kiến nghị của các trường ngoài công lập (NCL) về sự cần thiết phải thay đổi cách xác định điểm sàn. Trong cuộc họp bàn để tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh cho các trường NCL, một số hiệu trưởng đã nhắc đến nguy cơ có trường NCL phải phá sản nếu vẫn duy trì cách tính điểm sàn như cũ. Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, Lê Công Huỳnh cho biết số lượng thí sinh đang là vấn đề nan giải đối với nhà trường: Năm đầu thành lập, trường tôi tuyển được khoảng 700 sinh viên, năm sau tuyển được 600 sinh viên, năm vừa qua tuyển được 400 sinh viên. Nhưng năm nay tình hình cho thấy, tuyển được 200 sinh viên cũng không dễ. Trong khi nhiều trường công lập thông báo lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn nên các trường NCL thiếu nguồn tuyển là điều khó tránh khỏi.
Hiệu trưởng Trường ÐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị còn đặt vấn đề: Hiện cả nước có khoảng 100 trường ÐH, CÐ NCL nhưng phần lớn đều đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tuyển. Ðây là nguy cơ khiến các trường phá sản, dẫn đến chủ trương xã hội hóa giáo dục không hiệu quả. Ða số đại diện các trường thống nhất đề xuất của Hiệu trưởng Trường ÐH DL Phương Ðông Bùi Thiện Dụ: Bộ GD-ĐT nên lấy điểm sàn sao cho 50% thí sinh dự thi đạt trên mức sàn, như vậy, các trường ÐH NCL mới có đủ nguồn để tuyển. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên đặt ra 2 mức điểm sàn khác nhau cho trường CL và NCL, thậm chí còn là bỏ điểm sàn…
Bộ GD-ĐT: Không thiếu nguồn tuyển
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm chất lượng đầu vào, không thể bỏ điểm sàn. Cũng không thể có 2 mức điểm sàn khác nhau bởi Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường ĐH CL và NCL có giá trị như nhau dù điểm chuẩn vào các trường khác nhau. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm sàn năm nay đã được tính toán để số thí sinh trên điểm sàn cao hơn tổng chỉ tiêu, bảo đảm đủ nguồn tuyển: Năm 2011 chỉ tiêu tuyển sinh cả nước là 266.631 thì có 415.282 thí sinh có điểm thi ĐH trên điểm sàn, tức là gấp 1,5 lần chỉ tiêu. Trong số thí sinh đạt trên sàn, có 206.302 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt nguyện vọng 1. Con số 208.980 thí sinh này là nguồn tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 rất lớn dành cho các trường. Cụ thể hơn, với khối A, tỷ lệ thí sinh trên sàn/chỉ tiêu là 1,6 lần; khối B, do có lượng thí sinh trúng tuyển ảo rất lớn nên tỷ lệ này được xác định lên tới 21 lần. Bộ GD-ĐT cho rằng đã xác định lượng thí sinh dư rất nhiều so với chỉ tiêu giao cho các trường, vấn đề còn lại là các trường tạo sức hút như thế nào với thí sinh.
Với các trường NCL, nguồn tuyển trong giai đoạn hiện nay được nêu ra như yếu tố quyết định sự tồn tại của trường. Tuy nhiên, liệu điểm sàn có phải lý do chính khiến cho các trường NCL thiếu nguồn tuyển? Chính Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị cũng thừa nhận một thực tế: Quan niệm về tư thục, dân lập trong xã hội hiện vẫn rất nặng nề. Nếu trường CL cũng lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thì ngoài lý do danh tiếng của các trường CL, thí sinh đăng ký vào trường CL còn bởi chi phí thấp hơn. Niên học sắp tới, dẫu nhiều trường NCL cố gắng không tăng học phí, song mức chi phí vẫn lớn hơn đáng kể so với trường CL. Học phí ở một trường NCL là từ 600 nghìn đến 1,8 triệu đồng/tháng/sinh viên thì trường CL chỉ thu từ 290 nghìn - 800 nghìn đồng/tháng/sinh viên.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trường tuyển được ít thí sinh cần phải xem lại chiến lược hoạt động của mình, cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, có quá trình tạo dựng uy tín. Ngoài ra, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh rút và nộp hồ sơ nhiều lần khi xét tuyển các nguyện vọng 2,3. Như vậy những trường có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh và có thể yên tâm về nguồn tuyển.
Rút hồ sơ đăng ký xét tuyển: Băn khoăn
Quy định mới về việc rút và nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2,3 nhiều lần được các trường đánh giá là linh hoạt và dân chủ. Theo đó, các trường cập nhật hằng ngày thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 và công bố công khai trên website của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh, bao gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; số báo danh; đối tượng; khu vực; điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành ĐKXT; ngày nhận hồ sơ ĐKXT; ngày trả hồ sơ ĐKXT.
Quy định này tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh song cũng có nghĩa là các trường khó tuyển lại đứng trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trước hết, các trường phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật khi phải rút ra, nộp vào hồ sơ liên tục, rồi cập nhật thường xuyên các dữ liệu trên trang web. Việc này cũng khiến thời gian tuyển sinh của các trường bị kéo dài ra. Một hiệu trưởng lo ngại: Các trường cũng sẽ rất khó khăn khi gần đến hạn chót thì thí sinh ồ ạt rút ra, lúc ấy lấy đâu ra hồ sơ mà xét nữa?
Hiệu trưởng ĐH DL Hải Phòng Trần Hữu Nghị còn nghi ngờ: Liệu quy định cho phép thí sinh ủy quyền cho người khác đến trường rút hồ sơ có phải là một lỗ hổng rất lớn cho tiêu cực hay không, liệu có tạo đất cho "cò mồi" hoạt động hay không? Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị cũng đặt vấn đề: Quy định này có vẻ rất thuận lợi cho thí sinh, thế nhưng có ai biết được là liệu bao nhiêu thí sinh có điều kiện theo dõi website của các trường?
Có vẻ như, việc cho phép rút hồ sơ xét tuyển giúp Bộ GD-ĐT dễ quản lý hơn, song các trường thì lại gánh thêm phần khó khăn.
- Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, một số trường ĐH đã đưa ra điểm chuẩn chính thức. Điểm vào Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở Hà Nội: khối A: 24 điểm, khối D1, D2, D4 là 22 điểm, khối D3 là 22,5 điểm. Trường có 12 ngành xét tuyển cho những thí sinh đủ điểm vào trường nhưng không đủ điểm vào chuyên ngành đăng ký ban đầu. Điểm chuẩn Trường ĐH Luật Hà Nội, khối A 17,5 điểm, khối C 20 điểm, khối D1 là 18 điểm. Trường không xét tuyển NV2. Trường ĐH Kinh tế quốc dân đưa ra mức điểm sàn vào trường đối với khối A và D1 không nhân hệ số môn ngoại ngữ là 21, đối với khối D1 nhân hệ số là 24,5 điểm. Đối với các chuyên ngành có điểm chuẩn riêng thì mức điểm giảm so với sàn từ 1-3 điểm. Ngành Kiểm toán, Tài chính doanh nghiệp có mức điểm chuẩn cao nhất (25,5 điểm). Những thí sinh không đủ điểm chuẩn vào ngành đã đăng ký nhưng đủ điểm sàn vào trường được đăng ký vào chuyên ngành còn chỉ tiêu. Học viện Ngân hàng cho biết, điểm sàn vào trường khối A là 20,5 điểm, khối D: 20 điểm. Riêng ngành Ngân hàng điểm chuẩn là 22,5; ngành Tài chính, Kế toán: 21; ngành Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý: 20,5 điểm, ngành Ngôn ngữ tiếng Anh: 20 điểm. Thí sinh sẽ được chuyển tiếp từ ngành thừa chỉ tiêu sang ngành thiếu chỉ tiêu. Hệ CĐ tại cơ sở Hà Nội của Học viện năm nay có 850 chỉ tiêu, xét tuyển thí sinh đã dự thi ĐH khối A trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh với điểm từ 13 trở lên. |