Chè bẩn và những bất cập trong công tác quản lý
Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 08/08/2011
Thu hoạch chè.
Để tăng thêm lợi nhuận, nhưng nông dân này còn trộn thêm cả một loại tạp chất gọi là bùn và phân lân để tăng thêm khối lượng chè.
Theo người dân thì, nếu trước đây phải mất 5 kg chè tươi mới làm được 1 kg chè khô, thì nay, với cách bỏ phân lân và bùn vào chè, chỉ cần 2,5-3 kg chè tươi là được 1 kg chè khô. Chính vì vậy, đi tìm trong các hộ làm chè ở Tuyên Quang có thể thấy, rất nhiều những bao phân lân bên cạnh những cối vò chè.
Nếu như ở Tuyên Quang, người dân trộn bùn và phân lân vào chè, thì ở Yên Bái, thay vì phân lân, người dân trộn một hỗn hợp mà họ nói là bột gạo và bột sắn. Họ giải thích, làm như vậy là vì yêu cầu của thương lái rằng chè phải đẹp.
Người trồng chè huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết: “Cho bột vào cho nó dẻo, nó săn chè… Nếu mình không cho vào thì thương lái họ không chấp nhận, họ bảo chè mình không đẹp. Nó bảo làm thế nào thì mình làm thế thôi…”.
Từ Yên Bái đến Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, hiện tượng thiếu nguyên liệu xảy ra với tất cả các nhà máy chè trên toàn miền Bắc. Theo các nhà máy thì bây giờ dù họ có muốn thu mua giá cao đối với chè của nông dân cũng không được, bởi loại chè hiện nay có chất lượng rất thấp và tạp chất đã bị pha vào không thế lấy được ra.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, GĐ Công ty TNHH chè Hưng Anh, Hàm Yên (Tuyên Quang) đưa ra kết luận: “Loại chè mà nông dân sản xuất theo kiểu trộn tạp chất khi pha chỉ toàn là cấn, mà pha xong thì lắng lại rất nhiều tạp chất…”
Trái ngược với không khí ảm đạm của các nhà máy chè là sự nhộn nhịp của những điểm thu mua tư nhân. Những người thu mua chè cũng không biết thương nhân Trung Quốc mua chè của họ để làm gì, nhưng có lợi thì họ vẫn làm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Thái Hòa, Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết: “Ngày nào bình thường thì mua được 10 tấn, ngày nắng ráo thì thu mua được 20 tấn. Chè này xuất ra nước ngoài, ra Trung Quốc, xuất qua cửa khẩu Thanh Thủy hoặc cửa khẩu Chi Ma”.
Theo công văn ngày 5/7 của Hiệp hội Chè Việt Nam, thì tình trạng chè pha tạp chất tại các địa phương phía Bắc gồm: Chè trộn bột đá ở Phú Thọ, Yên Bái; Chè trộn bùn ở Tuyên Quang; Chè trộn phẩm màu và Bột quặng tại Thái Nguyên.
Điều đáng nói là, mặc dù hoạt động mua bán chè kém chất lượng và pha tạp chất đã diễn ra rầm rộ, nhưng chỉ tới khi có công văn của Hiệp hội Chè và sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng, cuối tháng 7, các đoàn kiểm tra mới bắt đầu vào cuộc.
Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Hôm qua, chúng tôi đi kiểm tra thì cũng mới chỉ cho anh em lấy mẫu, tuy nhiên chưa có kết quả cụ thể, còn việc thương lái thu mua thì cũng chưa phát hiện ra, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để ổn định tình hình”.
Kết quả của một ngày kiểm tra tại Văn Chấn (Yên Bái) là, 300 kg chè của người dân đã bị thu giữ. Đoàn kiểm tra khẳng định, tình hình đã được kiểm soát, dù đến lúc này họ vẫn chưa phát hiện ra mẫu chè nào có pha tạp chất. Nhưng có một sự thực là các nhà máy đến lúc này vẫn chưa thể thu mua chè sạch. Không biết chè đã đi đâu?
Mới đây, tại Hội nghị giao ban xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã cho biết, thời gian vừa qua, phía Trung Quốc đã đưa lên mạng những thông tin và hình ảnh về việc họ tiêu hủy chè bẩn, chè kém chất lượng của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cảnh báo, đây là điều rất nguy hiểm, bởi sẽ ảnh hưởng đến uy tín của không chỉ mặt hàng chè, mà với còn của các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam nói chung. Như vậy người nông dân cũng nên cảnh giác để không nên vì những món lợi trước mắt, khiến nông sản của chính mình có thể sẽ bị ép giá trong tương lai.