Ruộng bỏ hoang, dân đi thuê đất

Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 08/08/2011

(HNM) - Trong khi người nông dân Tây Tựu (Từ Liêm)


Các nhà máy trong Cụm CN Lai Xá, nước thải được xả ra kênh thủy lợi của xã Tây Tựu. Ảnh: Minh Phú

Theo phản ánh của nhân dân xã Tây Tựu, mấy năm gần đây, do nguồn nước tưới của kênh thủy lợi đồng Nai bị ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con. Anh Đặng Trần Tâm, thôn Trung bức xúc: "Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng trồng hoa ở khu đồng Nai, đã 3 năm trở lại đây, cây hoa trồng ở khu đồng này còi cọc, héo rũ nên gia đình tôi và nhiều hộ khác đã phải bỏ đất hoang; phải ngược xuôi đi thuê đất nơi khác để sản xuất". Ông Phan Hùng, một hộ có đất ở khu đồng Nai cho biết thêm: "Càng ngày nước ở kênh này càng bẩn, màu đen, gây ngứa cho cơ thể con người nếu nhiễm phải". Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, những ngày trời nắng, nước mương cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến những hộ dân nhà ở ven tỉnh lộ 70 cách kênh dẫn nước đồng Nai 200m cũng phải hứng chịu mùi hôi thối.

Anh Nguyễn Văn Hoan, cán bộ UBND xã Tây Tựu cho biết, từ khi Cụm CN Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức đi vào hoạt động, trong đó có Công ty CP Giấy và bao bì Mạnh Cường đã xả thải nước chưa qua xử lý ra kênh đồng Nai gây ô nhiễm nặng. Kênh đồng Nai có chiều dài 2,5km, chảy qua địa phận xã Tây Tựu có nhiệm vụ tưới tiêu nước cho 30ha hoa của hai thôn Thượng và thôn Trung. Trước thực trạng ô nhiễm, từ năm 2008 đến nay, xã Tây Tựu đã nhiều lần gửi công văn đến UBND huyện Hoài Đức, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) và các sở, ngành đề nghị kiểm tra, xử lý nhưng đến nay "mức độ ô nhiễm tại con kênh này vẫn ngày một tăng. Nước kênh có màu đen nâu, bốc mùi hôi thối, không thể sử dụng để tưới hoa, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường" - Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt khẳng định.

Mới đây, phóng viên Hànộimới làm việc tại Công ty CP Giấy và bao bì Mạnh Cường, chứng kiến hệ thống sản xuất của công ty này không hoạt động, máy móc đã hoen gỉ cho thấy đã lâu dây chuyền sản xuất này không vận hành. Hiện Công ty Mạnh Cường chỉ có 70 công nhân gia công cắt xén giấy vở học sinh, công suất khoảng 1.000 tấn/năm. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, cuối năm 2010, Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước tại Công ty CP Giấy và bao bì Mạnh Cường. Kết quả kiểm tra cho thấy dây chuyền sản xuất giấy của công ty này ngừng hoạt động, hệ thống xử lý nước thải không hoạt động.

Được biết, Cụm CN Lai Xá có tổng diện tích 49,1ha có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây từ năm 2005. Năm 2008, UBND tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho 35 doanh nghiệp và Trường tư thục Thành Đô lấp đầy diện tích. Hiện nay, có 30/35 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, cụm CN này không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Anh Lê Danh Trường, cán bộ Phòng TNMT huyện Hoài Đức cho biết thêm: "Hiện trong cụm CN này chủ yếu là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, trường học và hầu như không có doanh nghiệp sản xuất nên nguồn nước thải ra môi trường là không đáng kể. Hơn nữa, dù không có điểm xử lý nước thải tập trung nhưng theo quy định các doanh nghiệp vẫn phải tự xử lý nước thải trước khi xả ra hệ thống tiêu thoát chung của cụm".

Vậy nguyên nhân từ đâu mà nguồn nước kênh đồng Nai bị ô nhiễm nặng đang là một câu hỏi đặt ra, đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Mới đây ngày 4-7-2011, UBND xã Tây Tựu tiếp tục có công văn số 249 UBND gửi Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội đề nghị cơ quan này phối hợp trong việc kiểm định chất lượng nước thải của Cụm CN Lai Xá để có biện pháp khắc phục thực trạng trên, giúp người dân sớm ổn định sản xuất. Mong rằng các cơ quan hữu trách sớm xem xét, xác định nguồn gốc gây ô nhiễm cho cánh đồng hoa Tây Tựu để xử lý, giúp người dân được sản xuất trên thửa ruộng của mình, tránh sự lãng phí và thiệt hại cho nhân dân.

Nguyễn Mai