Hoài Đức: Vẫn nan giải bài toán làng nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 08/08/2011

(HNM) - Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức thuộc vùng phát triển đô thị. Do đó việc đưa các làng nghề ra khỏi khu dân cư, khắc phục triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết...


Khát vốn,thiếu mặt bằng


Phơi miến tại làng nghề Minh Khai, huyện Hoài Đức.


La Phù là xã nghề có giá trị sản xuất lớn của thành phố Hà Nội với nghề dệt len, làm bánh kẹo nổi tiếng. Có hàng trăm mặt hàng dệt len khăn, mũ, áo, găng tay, bít tất… thời trang, cùng sản phẩm bánh kẹo, sôcôla cao cấp của xã được xuất khẩu sang các nước trong khối EU và châu Phi. Nhiều công ty, cơ sở ở La Phù đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất bánh kẹo cao cấp, sôcôla và dây chuyền sản xuất nước giải khát. Hiện nay, với hơn 95% số hộ tham gia làm nghề và kinh doanh dịch vụ, toàn xã La Phù có trên 100 công ty, tổ hợp sản xuất lớn sản xuất hai ngành hàng chủ lực là dệt len và bánh, kẹo. Trong những năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho sản xuất công nghiệp của xã đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho trang thiết bị công nghệ trên 300 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất 160 tỷ đồng… Do nhiều sản phẩm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lãi suất ngân hàng ở mức cao, nhiều hộ, DN của làng nghề đã rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho hay.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Lan: Thiếu vốn, mặt bằng để sản xuất, kinh doanh là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề. Lãi suất ngân hàng quá cao, các doanh nghiệp (DN) gần như không thể tiếp cận các nguồn cho vay ưu đãi. Từ hạn chế về vốn, DN ở các làng nghề lại càng khó tìm kiếm được mặt bằng sản xuất. Ông Dương Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Mỹ, xã Kim Chung cho hay, trước đây, các cơ sở đều tận dụng mặt bằng trong khu đất ở của gia đình để sản xuất két bạc nhưng dần dần mở rộng quy mô, mặt bằng trong khu dân cư cũng không đáp ứng được. Để có mặt bằng sản xuất, DN phải thuê đất của 4 hộ dân, hợp đồng dài nhất cũng chỉ 5 năm, ngắn hơn là 3 năm nên không dám đầu tư bài bản.

Khó khăn của DN như cái vòng luẩn quẩn, thiếu vốn DN không thể thuê hoặc mua đất làm mặt bằng sản xuất, không có đất đồng nghĩa với việc không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn... Nếu di chuyển sản xuất ra khỏi khu vực làng nghề, tuy chi phí thuê đất rẻ hơn nhưng công ty lại khó tuyển dụng được lao động có tay nghề cao. Chính sự không ổn định về vốn, mặt bằng mà nhiều DN không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, do đó, quy mô của DN lại càng khó tăng lên.

Ô nhiễm môi trường gia tăng

Theo báo cáo của huyện Hoài Đức, lượng nước thải của làng nghề lên tới 4.651.000m3/năm (trên tổng số 4.830.720m3/năm của các cụm điểm công nghiệp và làng nghề), chủ yếu là nước thải từ các làng Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế và La Phù. Toàn bộ lượng nước này không được xử lý, đều xả vào các hệ thống kênh tiêu T2, T5, T3A, T3B chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy. Nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài chục đến hàng trăm lần. Các làng nghề này còn là nguồn thải chất thải rắn lớn nhất huyện. Mỗi năm các cụm làng nghề Dương Liễu thải 108.000 tấn, Minh Khai thải 7.000 tấn và Cát Quế thải 5.668 tấn trong khi cả huyện thải 168.048 tấn. Năm 2011, UBND huyện Hoài Đức đã bố trí kinh phí cho môi trường là 19,1 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu để thực hiện hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, quan trắc hiện trạng môi trường, thau rửa, hòa loãng giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại hệ thống kênh T2, T5, hỗ trợ một số xã cải tạo bãi đổ rác, các trạm trung chuyển rác…

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, để các làng nghề phát triển ổn định trong quá trình đô thị hóa, nhân dân tại các làng nghề và DN cần quan tâm đúng mức tới môi trường làng nghề và có những hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ cán bộ làm công tác môi trường từ huyện đến cơ sở; thường xuyên kiểm tra xử lý kịp thời các cơ sở, DN gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đặc biệt cần đẩy nhanh việc thực hiện các điểm công nghiệp làng nghề, đưa sản xuất của các làng nghề ra xa khu dân cư. Được biết, huyện Hoài Đức đã có 5 cụm công nghiệp được xây dựng với diện tích hơn 130ha và 5 điểm công nghiệp diện tích 74,8ha được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500. Trong thời gian tới, UBND huyện Hoài Đức sẽ lập kế hoạch thống nhất về đầu tư hạ tầng cho các làng nghề như: giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, thương mại, nhất là ở các làng nghề có sản lượng hàng hóa lớn, các làng nghề gắn với du lịch - văn hóa, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu, định hướng hội nhập kinh tế quốc tế về làng nghề.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 515 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 3.114 hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký ở các làng nghề. Ngoài ra còn có 17.381 hộ có nghề sản xuất phụ, chiếm 40,5% số hộ trong toàn huyện. Toàn huyện có 51 làng có nghề, trong đó có 12 làng đã được công nhận làng nghề.

Bài, ảnh: Bạch Thanh