Phí chồng lên phí, đẩy khó cho dân

Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 08/08/2011

(HNM) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải dự thảo đề án Quỹ bảo trì đường bộ với 3 phương án thu Quỹ bảo trì đường bộ thay vì 2 phương án như trước đây.

Trong dự thảo lần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra 3 phương án nhằm thu đủ số tiền 12.000 tỷ đồng mỗi năm cho Quỹ bảo trì đường bộ... Ngay sau khi dự thảo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dư luận nhân dân cho rằng, các phương án đó còn bộc lộ nhiều bất cập... 

Phương án thu Quỹ bảo trì đường bộ chưa thực sự bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân. Ảnh: Trung Kiên


* Ông Trần Trí Cường (Giám đốc một DN vận tải ở phường Đức Giang, quận Long Biên): Phí chồng lên phí…
Với kinh nghiệm của một người hoạt động trong lĩnh vực vận tải, tôi cho rằng đề xuất của Tổng cục Đường bộ vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, phương án này chỉ thay thế được việc thu phí qua các trạm thu phí cầu đường của Nhà nước, các trạm thu phí hoàn vốn BOT vẫn tiếp tục thu phí theo quy định của hợp đồng BOT. Trong khi đó, các trạm thu phí theo hình thức BOT lại ngày càng nở rộ và như vậy, mỗi chiếc ô tô khi lăn bánh trên đường sẽ phải chịu đến 3 loại phí khác nhau, gồm phí thu trực tiếp trên đầu phương tiện, phí thu qua xăng dầu và qua trạm thu phí. Thứ hai, nếu đã thu phí trên đầu phương tiện thì phải thu của tất cả các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, mới bảo đảm sự công bằng...

* Ông Bùi Văn Sỹ (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ): Cả 3 phương án đều bất ổn
Đây không phải lần đầu tiên Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) xây dựng đề án thu Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng của dư luận và các doanh nghiệp vận tải. Trước khi xây dựng các phương án thu Quỹ bảo trì đường bộ, lẽ ra Tổng cục ĐBVN cần xác định rõ nên "xã hội hóa" hoàn toàn việc thu quỹ hay chỉ thu một phần. Đằng này, tham khảo 3 phương án thu phí, tôi thấy dường như Tổng cục ĐBVN đã đặt cả hai tiêu chí đó song song với nhau, nghĩa là có cả phương án thu phí bằng hình thức xã hội hóa hoàn toàn và cũng có phương án thu phí một phần; phần còn lại cấp bổ sung từ ngân sách. Việc không rõ ràng ngay từ tiêu chí, mục tiêu ban đầu đề ra, khiến các cơ quan rất lúng túng khi xây dựng đề án thu Quỹ bảo trì đường bộ. Nếu lựa chọn phương án 1 hoặc phương án 2, nhược điểm lớn nhất là các phương tiện tham gia giao thông, nhất là ô tô sẽ cùng lúc phải chịu quá nhiều loại phí. Trong điều kiện lạm phát như hiện nay, việc phải chịu nhiều loại phí chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng cao. Phương án 3, được xem là khả thi nhất do kết hợp giữa ngân sách nhà nước và các khoản đóng góp của người dân, song để thực hiện không hề đơn giản. Bởi lẽ, muốn thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện cơ giới đường bộ, trước hết phải quản lý được chính xác số lượng phương tiện đang lưu hành. Thế nhưng, chúng ta chưa làm được điều này do quy định về việc sang tên, đổi chủ khi mua bán, trao đổi phương tiện còn thiếu chặt chẽ. Nhiều xe mua đi bán lại nhiều lần, nhưng không hề sang tên; ngược lại có những người đứng tên cùng lúc nhiều phương tiện… Nhìn chung cả 3 phương án mà Tổng cục ĐBVN đưa ra đều bất ổn!

* Bà Phạm Thanh Ngân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân): Thu phí bảo trì thì đường phải tốt...
Theo tôi, việc thu phí giao thông đường bộ là hợp lý, vì người có phương tiện lưu thông thì phải có nghĩa vụ nộp lệ phí và phương án chỉ thu phí ô tô và thu qua giá xăng dầu là phương án có tính khả thi hơn cả. Tuy nhiên, khi người dân đã đóng lệ phí thì cũng có quyền yêu cầu được đáp ứng về chất lượng đường giao thông. Hiện nay, không kể đến các vùng nông thôn hẻo lánh, ở nhiều đô thị đường sá cũng đã quá xuống cấp, thậm chí có nhiều tuyến đường chưa làm xong đoạn cuối đã hỏng đoạn đầu. Chất lượng thi công cầu đường quá kém, công tác giám sát, thanh kiểm tra chưa chặt chẽ, kể cả những công trình giao thông mang tầm quốc gia, khu vực, khiến người dân không mấy tin tưởng rằng, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được sử dụng hiệu quả.

Nếu quyết tâm thực hiện đề án Quỹ bảo trì đường bộ cũng cần tính đến việc hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề khiếu nại, khiếu kiện về giao thông. Bởi, nếu đường giao thông lồi lõm, hư hỏng gây tai nạn, ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, thì đơn vị quản lý đoạn đường đó phải đền bù thỏa đáng cho người dân. Trách nhiệm nộp phí phải đi liền với quyền lợi được bảo đảm an toàn về hạ tầng giao thông, mới bảo đảm công bằng và thuyết phục được người dân tham gia đóng phí.

* Ông Trần Công Tuấn (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm): Cần bảo đảm sự công bằng trong thu phí đường bộ
Trên các tuyến đường, thủ phạm chính làm hỏng đường chính là các xe ô tô tải trọng lớn chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng; trong đó rất nhiều xe chở quá tải trọng, chẳng đường sá nào chịu nổi, đấy là chưa kể đến việc không bảo đảm ATGT, là mối nguy cho cả các phương tiện tham gia giao thông khác. Tại sao không phạt thật nặng những chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải, kinh doanh hàng hóa để vừa có tính phòng ngừa, răn đe, vừa có kinh phí bảo trì, bảo dưỡng đường bộ. Có nghĩa là, ngay cả những người không trực tiếp tham gia giao thông (chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa) cũng phải chịu trách nhiệm đối với việc nộp phí bảo trì đường bộ. Bởi lẽ, nếu thu theo đầu xe thì có nhiều người có xe mà không tham gia giao thông hoặc đi rất ít cũng phải nộp phí như những người khác là thiếu công bằng.

Dự thảo Quỹ bảo trì đường bộ được chia thành 3 phương án

Phương án 1: Thu cùng lúc 3 loại phí, gồm: thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ với mức phí 180.000 đồng/tháng/xe ô tô; 80.000 đồng/tháng/xe máy; thu qua giá xăng dầu với mức phí 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/ lít dầu diesel; tiếp tục duy trì hoạt động của các trạm thu phí như hiện nay.

Phương án 2: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ, nhưng chỉ có ô tô phải chịu phí; đồng thời, vẫn thu qua giá xăng dầu với mức phí 1.000 đồng/lít xăng và 330 đồng/lít dầu diesel.

Phương án 3:
Chỉ thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ như mức phí ở phương án 1. Số tiền còn thiếu cho hoạt động bảo trì đường bộ sẽ được cấp bổ sung từ ngân sách nhà nước.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang kiến nghị Bộ GT-VT đề xuất Chính phủ chọn phương án 2.

Nga - Thủy