Không thể trông vào vạt ngô, sào lúa
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 07/08/2011
Làm ruộng: không ai giàu
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tảo Dương Văn cho biết: "Ở đất này nếu làm nghề nông thì phần lớn là nghèo. Hiện xã Tảo Dương Văn có 1.820 hộ, trong đó có 288 hộ nghèo. Nhưng điều đáng nói là trong số hộ giàu của xã hầu như không có gia đình nào làm ruộng. "Làm nông nghiệp đủ ăn là may lắm rồi. Cũng cần cù chịu khó nhưng cái khó bó cái khôn, ngoài sự tiếp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, với các món vay nhỏ từ chục triệu đến vài chục triệu đồng ra thì người nông dân ở đây tiếp cận với các kênh tín dụng khác hết sức khó khăn. Mà khổ nỗi, số hộ nghèo thường rơi vào các hoàn cảnh: đông con, bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro, người già cô đơn. Có một thực tế là, một gia đình ở nông thôn được xếp vào hạng đủ ăn đủ tiêu, nhưng chỉ cần một người trong nhà ốm đau, bệnh tật phải chạy chữa ở các bệnh viện lớn là kinh tế kiệt quệ ngay. Ở đây nhà nào tích cóp được đôi ba chục triệu đồng là khá giả rồi.
Người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi giá cả leo thang. Ảnh: Bá Hoạt |
Đúng là nông dân Tảo Dương Văn cần cù thật. Từ sáng tinh mơ đã ra đồng làm cho đến tối mịt. Trong khi các vùng quê khác phải chờ thợ cấy, trầy trật mãi mới kết thúc được vụ mùa trong tháng 7 thì ngay từ cuối tháng 6, xã này đã cấy xong 100% diện tích, lúa giờ đã lên xanh mơn mởn.
Ở nhiều xã khác như Trung Tú, Phương Tú, Hòa Xá, lại có tới hơn 70% nông dân cứ hết vụ là rời quê. Đa phần đời sống người nông dân được cải thiện là nhờ vào các loại dịch vụ cung ứng nông sản cho nội thành như đi chợ rau, cá, thịt… và nhiều người "ngồi lê" ở phố lại đóng vai trò quan trọng để thoát nghèo. Chị Ngô Thanh Thúy, xã Phương Tú vừa gom xong mớ hàng đủ loại từ tôm, cá, lươn, ốc ở chợ làng chuẩn bị xếp lên xe để mang ra cho kịp phiên chợ sáng tại quận Thanh Xuân cho biết: “Chạy chợ ở đây tiếng là giàu cũng chỉ giàu ở quê với tài sản nhà hai tầng, xe gắn máy là oách lắm rồi, nếu đem so với thiên hạ còn "muỗi" lắm. Dân đi chợ, làm thuê ở thành phố tiếng là có thu nhập thế thôi chứ cũng chẳng ai thống kê được bao nhiêu? Bấp bênh lắm, nhưng có thu nhập cao hơn làm ruộng", chị Thúy bộc bạch. Vì vậy mà thanh niên trai tráng đều cố gắng ra ngoài làm ăn dù có đi làm thuê làm mướn hay bất cứ việc gì. Bởi làm ruộng ở đây chỉ là để lấy thóc ăn, dư thừa một chút thì chăn nuôi chứ để kiếm mỗi năm hai ba chục triệu đồng từ làm ruộng khó lắm.
Những đồng tiền ở quê…
Để minh chứng cho cái sự hiếm hoi của đồng tiền ở quê, chị Nguyễn Thị Được chỉ vào đống lúa ở đầu hè, hạt nào hạt nấy vàng mẩy: Hạt lúa vàng đấy. Hơn chục tải thóc này cũng chỉ được tấn thóc. Bán đi tất tần tật cũng chỉ được dăm bảy triệu đồng, mà bán đi thì ăn bằng gì. Nhìn chị hì hục vật từng tải thóc lừng lững từ đầu hè vào góc buồng, lòng tôi đầy cảm thương mà chẳng biết nói thế nào. Để có được hơn chục tải thóc này, chị Được phải mất hơn ba tháng cấy, nhặt cỏ, bón phân… Mỗi cân thóc được dăm bảy nghìn, phải thêm chục nghìn nữa mới được bát phở bình dân ở nội thành.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở đội 3, thị trấn Vân Đình được coi là hộ có thu nhập khá cao ở đây vì ngoài làm ruộng, hai vợ chồng còn làm thêm nghề sữa chữa, rửa xe ngay đầu xóm, cho biết: "Một tháng, nhà tôi thu nhập 6 triệu đồng, thuộc diện cao ở địa phương. Nhưng chừng đó vẫn không đủ chi tiêu trong nhà do mặt hàng nào cũng hùa nhau đội giá". Vợ chồng anh Tiến có ba người con đang độ tuổi ăn học, nhẩm tính, tiền ăn học, sách vở của ba con mỗi tháng tốn ít nhất cũng hơn 3 triệu đồng. Hàng chục khoản chi tiêu còn lại như tiền thức ăn, điện nước, xăng xe cũng tốn gần 3 triệu đồng nữa. Gặp lúc trong nhà có người ốm đau bệnh tật, nếu không vay mượn được đâu thì chả biết sẽ đến đâu.
Cái cần thiết nhất cho con người là sự ổn định đời sống. Thế nhưng, những người nông dân nghèo thật khó nhọc trong cảnh mọi khoản chi tiêu, từ học phí cho con, ăn uống hằng ngày, quần áo, thuốc thang… đều trông chờ vào vài sào ngô, sào lúa. Giá cả ổn định đang là ước mong của tất cả những người dân từ nông thôn đến thành thị. Trong tình hình khó khăn chung của đất nước cùng với những giải pháp chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội của Chính phủ, chính quyền địa phương, thì ý thức tiết kiệm, tương thân tương ái của mỗi một người dân cũng sẽ góp phần quan trọng để cho đời sống của mỗi một vùng quê được ổn định.