Ngẫm chuyện làng văn

Văn hóa - Ngày đăng : 06:27, 07/08/2011

(HNM) - Lão nhà văn Tô Hoài vừa giới thiệu hai tập truyện ký "Chùa Giải Oan" và "Nhớ quê" do NXB Trẻ ấn hành. Nhà văn Ma Văn Kháng có tiểu thuyết "Bóng đêm" về đề tài an ninh xã hội do NXB Công an nhân dân giới thiệu.

Còn Lê Lựu cũng đã nỗ lực ra mắt tiểu thuyết "Nhớ quê" - NXB Thời đại. Đều là những tên tuổi lớn trong làng văn, nhìn vào những tác phẩm ấy, những tên tuổi ấy lại ngẫm ra ít nhiều chuyện làng văn.

Dẻo dai và nghiêm túc

Nghe nói nhà văn Ma Văn Kháng viết cuốn tiểu thuyết mới cũng đã lâu lâu, vậy rồi tác phẩm cũng đã ra mắt. NXB Công an nhân dân in xong "Bóng đêm" - tiểu thuyết hình sự của cây bút đặc sắc này và mới phát hành đầu tháng 8. Trước đó, nhà văn lão làng vừa dí dỏm vừa thâm trầm sâu sắc Tô Hoài đã gửi gắm ở "nhà" Trẻ hai cuốn truyện ký mà ông đã ghi chép trong những trải nghiệm của mình suốt nhiều năm. Như ông tự giới thiệu ngắn gọn: "Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Thủ đô Hà Nội, tôi được đoàn thể Văn hóa Cứu quốc phân công làm biên tập, phóng viên báo Cứu Quốc, nhật báo tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Hầu như cả đời tôi đều viết, ghi chép và sáng tạo văn học nghệ thuật như thế. Cái truyện ký "Nhớ quê" là một cái ghi chép bắt đầu".

Lê Lựu những tưởng sau nhiều biến cố về sức khỏe đã nghỉ ngơi, song có lẽ không thể nằm mãi ở "Thời xa vắng", ông lại kể tiếp những trải nghiệm của mình trên hơn 200 trang của tiểu thuyết tư liệu "Ở quê ngày ấy" dựa trên câu chuyện thời sự của nông thôn đương đại - cuộc biểu tình, khiếu kiện có thật từng xảy ra ở Thái Bình cuối những năm 1990. Mà ông viết đâu có dễ dàng như thuở còn đang sung sức, ông chia sẻ trên báo chí: "Tôi cứ nghĩ ngợi một lúc lại phải nghỉ ngơi, không liền mạch được. Bây giờ không viết bằng tay nữa mà phải nhờ các cháu giúp việc ngồi gõ máy. Có lúc tôi viết trong bệnh viện. Có lúc đang viết ở nhà thì mệt phải bỏ đấy để đi viện". Lê Lựu cũng cho biết không chỉ ghi chép mà còn về ở Thái Bình 6 tháng, theo dõi, nắm tình hình, hiểu ngọn nguồn câu chuyện, tâm trạng người trong cuộc… Một sự vào cuộc mà ngày nay những nhà văn đi trước hay lo cho lớp đi sau và gọi đó là "nguy cơ đứt gãy với hiện thực".

Lao động của các nhà văn lão làng lớp trước quả là một minh chứng cho tinh thần dẻo dai, nghiêm túc của người theo đuổi nghề văn. Đối diện với sức khỏe là một nhẽ, họ còn phải đối diện với chính những thành công vang dội của mình trước đó. Tô Hoài đã ngoài 90, Ma Văn Kháng, Lê Lựu cũng đều là những lão nhà văn cả. Sau họ là hàng loạt giải thưởng văn học lớn cùng những ghi nhận của công chúng văn học nước nhà. Đúng như Lê Lựu nói: "Cũng có người bảo tôi, anh viết những cái không hay hơn được cái trước thì viết làm gì. Nhưng cuối cùng thì không thể làm vậy… Viết với tôi như một nhu cầu, một niềm vui sống. Trang giấy, ngẫm cho cùng, nó là người bạn chung thủy nhất của mình".

Hội nghị văn trẻ toàn quốc đang rục rịch, mà văn đàn đã xôn xao, trong đó có không ít ý kiến về việc nhiều cây bút đi dự hội nghị về là không thấy tác phẩm đâu nữa… Biết rằng viết lách không phải định ngày, giờ là có tác phẩm, nhưng nhà văn sẽ làm gì nếu không viết?

Thưởng văn và ngẫm chất thời sự

Cho dù mỗi người một đề tài, chưa kể trong đó có những tác phẩm viết mới hoàn toàn như "Bóng đêm", "Ở quê ngày ấy", hay công bố những trang bản thảo có lịch sử ngót vài thập kỷ như hai tập truyện ký của Tô Hoài, thì điều thú vị nhất là thưởng thức giọng văn của những cây viết lão làng. Lối xây dựng nhân vật độc đáo, cách dùng từ đậm chất "dân gian" - đó là một trong những yếu tố hấp dẫn trong tiểu thuyết luận đề "Bóng đêm" không hoàn toàn dễ đọc của Ma Văn Kháng. Như lời bạt của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện thì "xét về mặt ngôn ngữ tác phẩm, "Bóng đêm" bộc lộ tài năng bậc thầy của Ma Văn Kháng trong dụng ngữ miêu tả sống động thiên nhiên và môi trường bao quanh con người, những rung động tinh tế trong đời sống tình cảm… Những tiếng lóng, biệt ngữ nghề nghiệp, tiếng địa phương… được nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn như chạm được vào thần cách giọng điệu của các hạng người, của từng nhân vật với tư cách là những sinh thể tư duy độc đáo". Cũng như vậy, với Tô Hoài, người đọc tiếp tục được nhẩn nha cùng ông trên khắp mọi nẻo đường, để rồi tự khám phá, trầm trồ trước con mắt nhìn đời ấm áp mà tinh tế của "ông Dế mèn". Đó là chuyến về "quê Lâm Hà" với niềm thương của những người con Hà Nội đi vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Là "Háng Bla" với những chuyện căn cốt mà hẳn chưa nhiều người biết về cây thuốc phiện ở vùng Tây Bắc.

Bên cạnh thú thưởng văn, cũng lại ngẫm ra những gửi gắm về nhân sinh, chuyện đời hôm nay. Đó cũng là điều mà văn đàn sôi nổi bàn luận gần đây, gọi là dòng văn học thời sự.

Hình tượng Phạm Văn - một bí thư tỉnh ủy mưu lược, người đã tháo được "ngòi nổ" của những căng thẳng và cả tình trạng quá khích ở địa phương phải chăng cũng là mong mỏi muôn đời của người dân là tìm được người lãnh đạo có đức, có tài, những người "nghe dân nói, nói dân nghe và biết bảo vệ quyền lợi cho dân". Cũng có thể tìm thấy bao nỗi băn khoăn gắn liền với đời sống hôm nay trong những trang văn điền dã của Tô Hoài cách nay cả mấy thập kỷ. Như "Vườn và hoa", "Làng xóm"… Ông viết "Chùa chiền - những am thanh cảnh vắng từ ngàn xưa đã ngan ngát mùi hoa mộc, hoa ngâu, hoa móng rồng, nay chỉ nghĩ qua loa thế về hoa và cây, thì còn ra thế nào". Dữ dội và trực diện, "Bóng đêm" của Ma Văn Kháng tiếp nối mạch đề tài chống tội phạm, các thế lực phản động trong "Đồng bạc trắng hoa xòe", "Vùng biên ải"…

Sự lao động trên cánh đồng văn chương không phải lúc nào cũng giúp mang lại những vụ mùa bội thu. Nhưng hình ảnh những nhà văn lão làng tiếp tục cần mẫn, nghiêm túc và sáng tạo chắc hẳn phải là niềm vui của văn chương nước nhà, là động lực cho những ai dấn thân vào nghiệp "tải đạo" này.

Thi Thi