Những mảnh đời da cam

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:07, 06/08/2011

(HNM) - Mỗi người một khuyết tật khác nhau, có người bị liệt cả chân tay, có người còn không có hai tay, có người mù cả hai mắt… Họ là những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) do quân đội Mỹ đã rải trong những năm tháng chiến tranh.

Dù phải chịu nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng trong họ luôn ngời sáng một nghị lực phi thường để chiến thắng số phận. Song, nỗi đau thể xác có thể vượt qua, nhưng sự phân biệt đối xử của xã hội đối với họ còn đau khổ gấp nhiều lần…

Nạn nhân chất độc da cam cơ sở An Phúc (TP Hồ Chí Minh) giới thiệu sản phẩm thủ công do chính tay họ làm ra.



Hai mảnh đời bất hạnh…

Nếu chỉ qua điện thoại thì không thể hình dung Trần Thanh Sơn (SN 1984, trú tại 124/12 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP Hồ Chí Minh) lại chịu nhiều thiệt thòi đến vậy: 27 tuổi, không tự đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ cậy người thân, bạn bè.

Số phận không mỉm cười từ lúc chào đời. Sơn bị liệt gần như cả hai tay và hai chân, chỉ tay phải còn nhúc nhắc viết được. Sơn xúc động kể: "Quê em ở Bình Định. Ba em tham gia cách mạng từ năm 1962, hành quân qua nhiều nơi, trong đó có Phú Tài (tỉnh Bình Định), một trọng điểm rải chất độc hóa học của quân Mỹ. Ba kể, nhiều lúc đang hành quân thì bị máy bay tưới hóa chất từ đầu xuống chân. Hồi đó, ba cũng như bao người lính khác không hề biết đó chính là CĐDC".

Là con út nhưng chỉ có Sơn bị nhiễm CĐDC di truyền từ người cha, 3 chị gái vẫn khỏe mạnh bình thường. Từ nhỏ đến năm học hết THPT, ba thường xuyên đưa cậu đi học, kể cả đi học thêm toán, lý, hóa để luyện thi đại học. Sơn tâm sự: "Thấy em bị tật từ lúc lọt lòng nên ba xin nghỉ hưu sớm để chăm sóc em. Hồi học lớp 1, em viết rất chậm, phải nhờ bạn viết giùm. Mấy tháng hè em miệt mài tập rồi cuối cùng cũng viết bằng các bạn. Khó nhất là dùng thước kẻ vì tay trái quá yếu, không giữ nổi thước nên em thường dùng cằm đè tay trái xuống. Để không trở thành gánh nặng cho người thân, từ năm lớp 2 đến lớp 12 em đều gắng đạt học sinh giỏi. Nhờ vậy mà bạn bè cũng quan tâm, trò chuyện, giúp đỡ nhiều hơn". Năm 2002, tin dữ đến đúng vào thời điểm Sơn thi đỗ Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh: Ba bị ung thư gan do nhiễm CĐDC. Vậy mà người cha kiên cường ấy đã vật lộn chiến đấu với bệnh tật suốt 4 năm trời, cho đến khi cậu con trai út tật nguyền tốt nghiệp ĐH ông mới chịu nhắm mắt.

Nhiều lúc Sơn thấy tuyệt vọng, nhất là khi bệnh tật hành hạ lúc trái gió trở trời, nhưng rồi lại tự động viên mình phải chấp nhận hoàn cảnh để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Sơn cho biết: "Để được như hôm nay, em đã học được rất nhiều điều từ cha về tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ cách mạng. Từ hồi còn nhỏ, ba đã luôn dạy em rằng: con đường duy nhất mà con có thể tự lo cho bản thân là phải học thật tốt. Buồn chán không phải là cách giải quyết vấn đề". Với tâm niệm đó Sơn luôn nghĩ rằng, mình phải tự trọng nhưng không được tự ti, mặc cảm, luôn mở lòng với mọi người. Điều này giúp Sơn thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn, có nhiều bạn bè và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích. Không những tốt nghiệp Đại học mà hiện Sơn còn đang học Cao học về Công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học tự nhiên, đồng thời làm giảng viên của Trung tâm dạy nghề kỹ thuật cao (Trường ĐH Văn Lang TP Hồ Chí Minh).

Tự nhận mình may mắn hơn nhiều nạn nhân CĐDC khác vì còn đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân cũng tự chủ động chứ không phải nhờ vả người khác, nhưng để có được hai tấm bằng Đại học (ĐH Luật và ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) thì đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của Vũ Hồng Du (SN 1979, trú tại 351/7A Lê Đại Hành, phường 11, quận 11 TP Hồ Chí Minh). Du kể: "Bố mình bị thương ở chiến trường Tây Nguyên, mất 95% sức khỏe, đặc biệt là bị nhiễm CĐDC. Trở về với cuộc sống đời thường với bố là một việc rất khó khăn. Có thời gian bố phải nằm điều trị tại Bệnh viện 175 tới gần 7 năm trời. Bao nhiêu lo toan, vất vả hằng ngày đều dồn hết lên vai mẹ".

Nhà có hai anh em trai nhưng chỉ mình Du bị nhiễm CĐDC di truyền từ bố. Năm lên lớp 7 Du bị đau đầu nhiều, phải nghỉ học nửa năm để điều trị tại Bệnh viện 175. Hiện giờ, mỗi khi thay đổi thời tiết Du lại đau đầu dữ dội, phải uống thuốc chống động kinh thường xuyên. Khó khăn thế nhưng Du vẫn quyết tâm học, học thật giỏi để ra đời kiếm việc làm, không những tự nuôi mình mà còn giúp được bố mẹ. Du tâm sự: "Hình ảnh bố bị liệt, không thể tự đi lại được nhưng vẫn nhận đồ điện tử về sửa để kiếm tiền phụ giúp mẹ; có lúc phải dùng xe lăn chở hai anh em mình đi hơn 30 cây số để mua linh kiện điện tử về thay cho khách, là nguồn động lực lớn nhất giúp mình vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống".

… Và những mong ước giản dị

Sơn và Du chỉ là hai trong khoảng 19.700 nạn nhân CĐDC đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để vươn lên bằng con đường học vấn. Có một thực tế dễ nhận thấy, đó là những khó khăn của những nạn nhân CĐDC trong việc hòa nhập với cộng đồng. Phó Chủ tịch kiêm Thư ký Hội Nạn nhân CĐDC TP Hồ Chí Minh Đặng Hồng Nhựt thừa nhận: "Rất nhiều nạn nhân CĐDC không thể kiếm được việc làm, mặc dù họ cũng được học hành qua trường lớp, học nghề… do sự phân biệt đối xử của một số cá nhân, bộ phận trong xã hội. Nhiều công ty, doanh nghiệp không muốn tiếp nhận nạn nhân CĐDC vào làm việc vì e ngại họ đi lại khó khăn, làm việc không hiệu quả, kể cả phải đóng bảo hiểm nhiều hơn… Tất cả điều đó đã trở thành rào cản trên bước đường hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân CĐDC".

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người trở thành nạn nhân. Rất nhiều gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên. Là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ, vì thế họ rất cần sự cảm thông, giúp đỡ và chia sẻ của toàn xã hội.

Dù sắp học xong cao học, có việc làm nhưng mỗi khi nghĩ về tương lai Sơn lại thấy lo ngại. "Không thể nhờ mãi bạn bè, người thân được. Thế nên phải làm việc thật nhiều để có thể tự lo cho mình và chia sẻ vật chất với gia đình, người thân" - Sơn bộc bạch. Mong muốn lớn nhất của Sơn cũng như bao nạn nhân CĐDC khác là xã hội hãy tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập vào cuộc sống bằng cách tạo ra môi trường làm việc bình đẳng. "Cho người khuyết tật cái cần để tự câu cá, thiết thực hơn là cho con cá. Các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật khi xây dựng các công trình công cộng. Để làm được những việc trên đòi hỏi thời gian lâu dài và một tư duy đồng cảm của cả cộng đồng".

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba thập kỷ. Đất nước đã và đang hồi sinh mạnh mẽ. Dù các tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ nạn nhân CĐDC về vật chất cũng như tinh thần rất nhiều, nhưng quả thực chưa thấm vào đâu so với những gì họ phải gánh chịu. Những nạn nhân của chiến tranh, trong đó có các nạn nhân CĐDC, ở một đất nước từng trải qua hai cuộc chiến khốc liệt, đang đòi hỏi sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Ngày 10-8-2011, đánh dấu 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, là dịp để Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam chuyển tải thông điệp lớn kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nạn nhân CĐDC Việt Nam trong cuộc sống cũng như cuộc đấu tranh đòi công lý.

Phạm Đình Hiệp