Giảm lạm phát: Gốc phải là giảm nhập siêu

Chính trị - Ngày đăng : 17:23, 05/08/2011

(HNMO) – Ngày 5/8, Quốc hội dành trọn thời gian để thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011...


Nên thực hiện một ngân sách Nhà nước cứng


Bàn về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, các đại biểu đều nhất trí đánh giá, năm 2009 là một năm đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã có các giải pháp đột phá quan trọng là kịp thời ban hành những nhóm giải pháp cấp bách về chính sách tài khóa tiền tệ đặc thù cho năm 2009, chuyển từ mục tiêu kìm chế lạm phát với chính sách tiền tệ thắt chặt sang mục tiêu ngăn chặn suy giảm với chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng và linh hoạt. Tuy nhiên, việc bội chi ngân sách và hiệu quả sử dụng nguồn bội chi này cũng còn khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Góp ý về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh tán thành với những nhận định và kiến nghị của Ủy ban Ngân sách Quốc hội cũng như Kiểm toán Nhà nước. Theo ông, Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua có chủ trương rất đúng là phát hành trái phiếu Chính phủ không nằm trong tính toán về bội chi so với GDP, ngân sách... để đầu tư cho nông thôn phát triển về giáo dục, y tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai có sự dàn trải quá lớn. Đại biểu Lịch đề nghị cần có sự tổng kết đánh giá rõ ràng tác động và hiệu quả thực sự của chương trình phát hành trái phiếu mở rộng này trên từng lĩnh vực để chấn chỉnh lại. Đồng thời, nên thực hiện một ngân sách Nhà nước cứng, tức là tất cả các khoản chi kể cả trái phiếu của ngân hàng phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội đều tính vào toàn bộ ngân sách để tính bội chi, tạo kỷ cương về ngân sách.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên cũng đánh giá, với nhiệm vụ của năm 2009 thì việc bội chi là cần thiết, nhưng bội chi ở mức cao và kéo dài sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không thể xem thường.

“Chúng ta trong nhiều năm vẫn ở mức bội chi khoảng trên dưới 7%, có năm nào thấp thì được 5% và xấp xỉ 5%. Chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ để giảm bội chi ngân sách không chỉ đặt ra từ thực tế năm 2009 mà còn đặt ra cả giai đoạn kéo dài hơn. Cho nên chúng tôi đề nghị trong quyết toán ngân sách chúng ta vẫn phải lưu ý nhiệm vụ thực hiện các giải pháp quyết liệt để giảm bội chi”, đại biểu Hùng nói.

Theo đại biểu Hùng, giảm bội chi nên bắt đầu từ giảm đầu tư công, xử lý vượt thu và Quốc hội nên đề ra nguyên tắc là dành ít nhất trên một nửa số tăng thu hàng năm để xử lý bội chi.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình đề nghị, Chính phủ nên lưu ý đến việc dự báo và khắc phục những dự báo không chính xác hiện nay để có những giải pháp trong quá trình lãnh đạo và thực hiện việc thu và chi ngân sách. Đặc biệt, lưu ý đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý việc thu thuế và tìm những giải pháp để khắc phục nợ đọng thuế hiện nay.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, vấn đề về thất thu, nợ thuế, chống chuyển giá… là những vấn đề rất lớn. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và suốt trong năm vừa qua đã triển khai được nhiều những cuộc thanh tra, kiểm tra và đã khắc phục được một bước tình hình nợ thuế. Sắp tới đây, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình của toàn khóa để sửa đổi, bổ sung một số sắc thuế gây ra việc nợ đọng thuế.

Về tăng chi, Phó Thủ tướng thừa nhận thực tế là năm nào cũng có vấn đề tăng chi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định những nguồn tăng chi này đều được luật cho phép và dùng để giải quyết những vấn đề cấp bách, đột xuất phát sinh hoặc những nội dung chi tiêu trong dự toán ngân sách chưa bố trí nhưng lại cần thiết và dùng để tăng tiền lương.

Miễn giảm thuế để thể hiện sự chia sẻ

Quan tâm đến đề xuất miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đồng tình, việc miễn, giảm thuế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Quốc hội nên chốt rõ là chỉ miễn giảm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số ngành rất cụ thể.

Về miễn thuế thu nhập cho kinh doanh chứng khoán, đại biểu Lịch cho rằng, thực tế các nhà kinh doanh chứng khoán thường chọn cách nộp thuế thứ hai, tức là không biết lời hay lỗ, cứ thực hiện giao dịch là nộp thuế 0,1%. Do vậy, ông ủng hộ Quốc hội quyết miễn giảm thuế này.

“Đây là yếu tố tâm lý nhiều hơn… Tôi nghĩ Quốc hội kỳ này quyết định một số vấn đề về giảm, miễn thuế, nhất là thuế thu nhập, tác động thực tế không nhiều nhưng nó là tác động về tâm lý, để thấy rằng Quốc hội hậu thuẫn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Đó là tín hiệu động viên cho doanh nghiệp”, ông nói.

Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) cũng cơ bản đồng tình với các đề xuất miễn, giảm thuế của Chính phủ đối với doanh nghiệp. Theo ông, trong hoàn cảnh khó khăn của sản xuất kinh doanh như hiện nay, Quốc hội nên có “cái gì đó chia sẻ và khích lệ” với những sự nỗ lực làm ăn tốt. Nhưng đại biểu cũng đề nghị, cần đánh giá tác động của những chính sách này một cách chặt chẽ hơn.

Riêng việc giảm thuế khoán 50% cho các chủ trọ, cơm bình dân..., đại biểu Lộc cùng một số đại biểu khác cho rằng, việc này hiệu quả thấp và không khả thi, không thể kiểm soát được.

“Tôi cho rằng việc hỗ trợ gián tiếp cho công nhân thu nhập thấp và học sinh, sinh viên theo cách này thì không hiệu quả. Tôi đề nghị có thể, nên tăng mức vay hàng tháng cho học sinh, sinh viên nghèo theo Ngân hàng chính sách xã hội và kiểm soát trên thực tế việc tăng lương tối thiếu cho công nhân như vừa qua”, đại biểu Lộc nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh băn khoăn liệu việc giảm thuế trực thu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nguồn hàng xuất khẩu có vi phạm quy định về chống phá giá và chống trợ giá của WTO hay không?

Theo đại biểu Nghĩa, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, Chính phủ cần chuẩn bị một chương trình để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp những tháng cuối năm và gộp luôn cho cả năm 2012.

“Nếu chúng ta giới hạn còn lại có 3-4 tháng nữa tôi sợ là tác động nó không lớn và thậm chí có một số việc chúng ta không kịp làm”, đại biểu Nghĩa nói.

Chung quan điểm, đại biểu Triệu Là Pham - Hà Giang cũng cho rằng, việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Cái mà doanh nghiệp cần hiện nay đó là làm sao tiếp cận được nguồn vốn và có ưu đãi về lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển.


Làm rõ những băn khoăn của các đại biểu về một số chính sách miễn, giảm thuế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 11 với mục tiêu giảm tổng cầu của nền kinh tế để kéo lạm phát xuống, cũng có những khó khăn của doanh nghiệp phát sinh, đặc biệt là do lạm phát chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại. Trước bối cảnh vừa phải chống lạm phát, vừa giảm tổng cầu nhưng lại phải hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất, Chính phủ đã lựa chọn miễn giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Phó thủ tướng, nếu giãn thì đây thực chất là khoản hỗ trợ để doanh nghiệp được sử dụng nguồn giãn này làm nguồn vốn quay vòng và bớt phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Như vậy, đây cũng là gián tiếp cho doanh nghiệp vay vốn.

Về giảm thuế đối với chứng khoán, xét thị trường này của nước ta mới hình thành, quy mô nhỏ, chưa phát triển và hiện trái phiếu Chính phủ cũng huy động trên thị trường này và thông qua thị trường này, trái phiếu Chính phủ đã từng bước kéo lãi suất xuống đối với nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ muốn hỗ trợ cho thị trường phục hồi và phát triển bền vững nên Chính phủ đã kiến nghị giảm thuế, trong đó có khoản thì đề nghị miễn cho cả năm 2012, nhưng cũng có khoản đề nghị miễn cho năm 2011.

Về những ý kiến nêu tại sao lại không miễn giảm thuế VAT, Phó Thủ tướng cho biết, thuế VAT là thuế gián thu và thu của người tiêu dùng, nên việc miễn giảm thuế này rất phức tạp. Nếu chỉ miễn giảm cho một số doanh nghiệp hoặc một số ngành nghề, một số lĩnh vực, một số sản phẩm thì việc quản lý vô cùng khó khăn. Nếu miễn giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng, tất cả các doanh nghiệp thì mới thực hiện được nhưng việc quản lý khoản thuế này lại khác với thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp là thuế trực thu, nên miễn giảm khoản thuế này sẽ tác động trực tiếp vào doanh nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp đảm bảo được sản xuất, gián tiếp giải quyết được vấn đề lao động.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu về việc nếu chúng ta thực hiện chủ trương miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, một loại thuế trực thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có vi phạm cam kết khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới hay không, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định là không vi phạm. Tuy nhiên, có thể có trường hợp nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó sản xuất hàng xuất khẩu thì có thể có nước này, nước khác có thể áp dụng biện pháp chống trợ giá. Nhưng việc này xảy ra không nhiều và trong thời gian vừa qua, một số nước có khuyến khích đối với doanh nghiệp trong nước của họ khi xảy ra khó khăn cũng không nêu vấn đề chống về trợ cấp.

“Chúng tôi cho rằng chúng ta có quyền áp dụng việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, tôi nghĩ đây là biện pháp hết sức cần thiết”, Bộ trưởng nói.


Giảm lạm phát: Gốc phải là giảm nhập siêu

Đi tìm căn nguyên của việc lạm phát Việt Nam ở mức cao, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, đó là do nước ta đang bị tác động nhiều chiều và phức tạp của kinh tế thế giới và nội tình trong nước.

Trên thế giới, đó là nhiều nước lạm phát, vỡ nợ lan nhanh… Trong nước, đó là sự yếu kém về quản lý, điều hành, đặc biệt là những bộc lộ mới trong 6 tháng đầu năm, đã khiến lạm phát tăng cao hơn cùng kỳ năm trước trong khi tăng trưởng lại kém hơn, cùng với mặt trái của chính sách tài chính thắt chặt, tác động của thiên tai…

“Lạm phát sẽ khó kiềm chế nếu những giải pháp tiếp theo không hiệu quả”, ông nói.

Theo ông, để giải quyết tốt hơn những tồn tại, Chính phủ cần cụ thể hóa nhanh những giải pháp đã có, tập trung vào những vấn đề trong tầm tay, ví dụ như sử dụng tốt hơn 13% tỷ lệ tăng tín dụng còn lại; giảm lãi suất, trong đó chú ý lãi suất đầu vào; điều chỉnh giá theo cung - cầu thị trường linh hoạt hơn, không xơ cứng như vừa qua và quản lý giá thị trường tự do chặt chẽ, tránh tâm lý gây thiệt hại; tuyệt đối cấm nhập khẩu những hàng xa xỉ như rượu, ô tô, mỹ phẩm… Đồng thời, có giải pháp xử lý tốt mặt trái chính sách thắt chặt tiền tệ, gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất; có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và đầu tư, tránh giật cục.

“Tôi hoan nghênh 3 giải pháp đột phá và những ý tưởng mới mà các bộ trưởng vừa nhậm chức đưa ra khi trả lời phỏng vấn báo chí. Chính phủ nên cụ thể hóa những lời hứa bằng các chương trình dài hạn, lộ trình cụ thể, trước mắt ưu tiên giải quyết những bức xúc hiện nay”, đại biểu Kiêm đề nghị.

Khá thẳng thắn khi đánh giá báo cáo Chính phủ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, việc Chính phủ lý giải nguyên nhân gây lạm phát cao là do kích cầu là không thỏa đáng.

“Kích cầu không phải là tác nhân chính gây ra lạm phát, mà là do mô hình kinh tế, quản lý, điều hành kém”, ông nói.

Đại biểu Đáng cũng rất băn khoăn về nhập siêu của Việt Nam luôn cao. Theo ông, việc nhập siêu kéo dài, liên tục trong nhiều năm qua, chắc chắn chỉ là do sự quản lý yếu kém.

Mổ xẻ vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng, nguyên nhân gốc gây ra lạm phát chính là nhập siêu, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn.

‘Chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm và công bố rộng rãi cho người dân biết. Lâu dài, cần nhanh chóng có chính sách ưu đãi về khu công nghiệp phụ trợ, khuyến khích sản xuất công nghiệp phụ trợ, khuyến khích sản xuất hàng hóa chất lượng cao; ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến lương thực, nông sản, đặc biệt cho xuất khẩu”, đại biểu Yến nói.

Dưới góc độ này, đại biểu Trần Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề xuất, Chính phủ nên có các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân.

“Theo tôi trong tình hình hiện nay chúng ta chống lạm phát thì có sự chống lạm phát về cái ngọn, tức là phải làm giống như bệnh phải hạ sốt. Nhưng chúng ta lại cho chống lạm phát và ổn định về nguồn cũng rất quan trọng. Gần đây có một sự đồn đại về giá gạo, có sự đồn đại về giá thực phẩm và chúng ta biết trong CPI, trong giá đó thì phần lương thực thực phẩm đến 39%. Như vậy, nếu chúng ta hỗ trợ cho nông nghiệp, cho nông dân để tạo ra nguồn hàng dồi dào hơn, tôi cho đây là chống lạm phát từ nguồn”, ông nói.

Ngày mai, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội đất nước và những giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2011.

Vân An