Cần chính sách đặc thù
Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 05/08/2011
Trước tình hình này, sáng 4-8, tại TX Sơn Tây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đoàn công tác liên ngành, gồm lãnh đạo đại diện các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Thuế, Ban Giải phóng mặt bằng TP đã có cuộc họp khẩn với UBND TX Sơn Tây bàn biện pháp, tháo gỡ vướng mắc, sớm ổn định tình hình.
Rác thải tập kết tạm ở nhiều khu vực tại thị xã Sơn Tây.
"Quá tam ba bận" ùn ứ rác
Đến cuối giờ chiều qua, theo quan sát của PV Hànộimới, ngay trước cửa ra vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn, hàng chục người dân các thôn Lễ Khê, Xuân Khanh, An Sơn, Tam Sơn vẫn "cắm lều" để ngăn chặn xe chở rác. Ở bên trong khu xử lý rác, 10 ô chôn lấp với diện tích hơn 4ha đã chất đầy rác thải đến cốt từ 36 đến 39m, quá hạn mức cho phép (trước đó để xử lý khẩn cấp cơ quan thẩm quyền đã cho phép nâng cốt 10 ô chôn lấp, nhưng chỉ ở mức 34m). Bên cạnh những "núi" rác này là ô chôn lấp khẩn cấp diện tích 1,2ha, đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng chưa đưa vào sử dụng vì lý do chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với thực trạng bãi rác quá tải, dưới cái nắng 35-36 độ C, mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi khiến chúng tôi không thể ở lâu trong bãi. Những người dân ở khu vực này cho biết, ô nhiễm môi trường đã đến mức nghiêm trọng, đề nghị chính quyền khẩn trương di chuyển người dân ra khỏi khu vực bán kính 500m như đã quyết định. Bà Dương Thị Hiện, thôn Xuân Khanh, một trong 15 người đang "ứng trực" trước cổng khu xử lý rác cho rằng, giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án chưa đáp ứng yêu cầu, không phản ánh được mặt bằng giá đất thị trường ở khu vực này. Ngược về khu vực nội thị TX Sơn Tây, tại các trục đường giao thông lớn, các bãi rác tạm ngày càng "phình" to. Anh Nguyễn Văn Bình, phường Sơn Lộc, ngán ngẩm: "Chúng tôi đã "sống chung" với bãi rác tạm này đến nay tròn 20 ngày. Công ty môi trường đã phủ bạt, phun thuốc khử trùng, nhưng đây chỉ là xử lý tạm nên không thể tránh khỏi ruồi muỗi nhiều, mùi hôi nồng nặc ảnh hưởng nhà dân. Chúng tôi không thể chịu đựng được hơn nữa!".
Phó Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Phan Thị Hảo cho biết, đến thời điểm này riêng địa bàn TX đã "tồn" gần 2.000 tấn rác, tập kết tạm trên các trục đường lớn và tại các xã. Trong khi đó, rác tồn đọng tại huyện Phúc Thọ cũng lên đến 1.000 tấn; huyện Đan Phượng 400 tấn; huyện Ba Vì 600 tấn; huyện Thạch Thất 600 tấn. Theo Phó Giám đốc Công ty Môi trường và đô thị Sơn Tây Lê Văn Vũ, đây là lần thứ ba xảy ra sự cố ùn ứ hàng nghìn tấn rác trong nhiều ngày tại TX Sơn Tây và vùng phụ cận (lần đầu tiên xảy ra tháng 4-2009, kéo dài 20 ngày; lần thứ hai vào tháng 5-2010, kéo dài 28 ngày). Rút kinh nghiệm hai lần trước, lần này, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công ty đã xây dựng kế hoạch, huy động 100% cán bộ, người lao động (khoảng 400 người) làm việc liên tục trong 20 ngày qua để bảo đảm việc tập kết, xử lý tạm rác thải. Công ty cũng thành lập 18 điểm tập kết rác tạm thời tại TX Sơn Tây và 38 điểm tại huyện Phúc Thọ; thành lập đội xử lý nhanh, ứng trực 24/24 giờ để giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra trong thực tế.
Bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân
Khi sự cố ùn ứ rác lần thứ hai xảy ra, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án di chuyển khoảng hơn 100 hộ dân ra khỏi bán kính ảnh hưởng 500m của khu xử lý rác, tổng diện tích GPMB 83,7ha; phê duyệt hai khu tái định cư, gồm khu Đồng Dinh - Cây Gạo (khoảng 26ha) và khu Đồng Láng - Xuân Khanh (khoảng 53ha). TP giao UBND TX Sơn Tây làm nhiệm vụ GPMB và chủ đầu tư dự án tái định cư. Đến thời điểm này, TX đã hoàn thành công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho biết, sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo TX đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân, tuyên truyền, giải thích, vận động thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng người dân cho rằng bãi rác đã ô nhiễm nghiêm trọng; giá đền bù đất để di chuyển các hộ dân quá thấp so với thực tế. Như vậy, việc người dân chặn xe không cho chở rác vào bãi là "giọt nước tràn ly" nhằm phản ứng vấn đề đền bù GPMB.
Trước thực trạng này, sáng qua 4-8, đại diện liên ngành các sở Tài chính, Thuế, Tài nguyên Môi trường, Ban Giải phóng mặt bằng và UBND TX Sơn Tây đã đi kiểm tra thực tế nắm bắt tình hình tại khu xử lý rác thải. Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội cho rằng, đây là dự án dân sinh bức xúc, vì vậy việc thống nhất giá đền bù bồi thường GPMB, một mặt phải dựa trên quy định của Nhà nước, mặt khác phải xem xét đến những yếu tố khẩn cấp, giá thị trường ở khu vực đó. Sau khi xem xét toàn diện cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB và phân tích tình hình thực tế, liên ngành đã đi đến thống nhất với kiến nghị của TX Sơn Tây là áp dụng chính sách đặc thù của khu vực bãi rác để tiến hành GPMB, bảo đảm quyền lợi cho người dân địa phương và trong ngày hôm nay (5-8), sẽ gửi tờ trình đề nghị UBND TP xem xét, phê duyệt.