Giãn dân phố cổ: Không đơn giản là di dời

Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 04/08/2011

(HNM) - Đề án giãn dân phố cổ (GDPC) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những người sống trong khu vực phố cổ. Nhiều ý kiến cho rằng, đề án này chỉ thực sự khả thi nếu được nghiên cứu một cách khoa học.


Không thể chỉ đơn giản là di dời mà còn phải giải quyết vấn đề mưu sinh cho người dân. Cùng với đó là các vấn đề không kém phần nan giải như cơ chế bán nhà tái định cư, cơ chế kêu gọi doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư xây dựng nhà tái định cư tại khu giãn dân mới, bởi Chính phủ chưa cho phép triển khai dự án này theo phương thức BT (xây dựng-chuyển giao)…

Không gian chật hẹp trong một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Buồm. Ảnh: Linh Tâm


Băn khoăn về cơ chế, chính sách

Sau khi Báo Hànộimới số 15225 ra ngày 7-7-2011 đã đăng bài "Đề án GDPC: Cần di chuyển hơn 2,6 vạn dân", nhiều người dân quận Hoàn Kiếm đã bày tỏ sự ủng hộ đề án. Tuy nhiên, kèm theo đó là những kiến nghị về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc làm tại nơi ở mới. Vấn đề không chỉ đơn giản là di dời các hộ dân sang tái định cư tại nơi ở mới mà chính quyền phải làm rõ một loạt vấn đề cụ thể. Ông Nguyễn Văn Thanh (phường Hàng Bông) băn khoăn về chuyện người dân đang buôn bán, mưu sinh tại phố cổ sẽ được tạo điều kiện việc làm như thế nào tại khu giãn dân Việt Hưng (quận Long Biên)? Trường học, trạm xá, chợ ra sao? Mức giá đền bù thế nào khi mỗi mét vuông đất phố cổ đều được coi là "đất vàng"? Giá bán nhà tái định cư sẽ được tính toán ra sao?... Những vấn đề này, nếu không khả thi sẽ khó thuyết phục được người dân. Cần phải nói thêm rằng, những năm qua Hà Nội thực hiện ngàn dự án, di dời, bố trí tái định cư cho hàng vạn hộ dân nhưng GDPC lại là chuyện khác. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, e rằng đề án sẽ chỉ nằm trên giấy.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, đại diện một số DN xây dựng cho rằng, để có quỹ đất, quỹ nhà phục vụ đề án giãn dân, UBND TP và quận Hoàn Kiếm đang xây dựng phương án kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở. Nhưng hiện nay Chính phủ chưa có cơ chế cho phép đầu tư xây dựng nhà ở giãn dân, nhà tái định cư theo hình thức BT. Do đó, cần làm rõ phương thức đầu tư, trong đó nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi gì, hay hoàn toàn dựa vào vốn ngân sách, DN tham gia xây dựng theo kiểu "lấy công làm lãi"?

Sẽ áp dụng các cơ chế đặc thù


Phố Hàng Đường nơi có mật độ dân cư sinh sống khá lớn. Ảnh: Linh Tâm

Trước những băn khoăn về đề án GDPC, ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tổng số hộ dân phố cổ phải di dời sang Việt Hưng (quận Long Biên) khoảng 6.550 hộ (tương đương 2,6 vạn dân). Đây là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức điều tra xã hội học với gần 1.000 hộ nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Các kiến nghị của người dân liên quan đến cơ chế, chính sách đền bù, GPMB, tái định cư và điều kiện mưu sinh tại nơi ở mới... đã được tổng hợp, trên cơ sở đó, chính quyền đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Thứ nhất, về nhà ở: các hộ đang sống trong các di tích, công sở, trường học và các hộ đang sống trong cùng một biển số nhà (mật độ cao, không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu...) sẽ áp dụng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo các quy định hiện hành. Các hộ trong diện mua nhà, đất tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu giãn dân Việt Hưng sẽ được mua nhà theo giá nhà ở xã hội đã được TP quy định. Một số chính sách đặc thù sẽ được áp dụng như cho phép áp dụng đầy đủ các hình thức bán nhà gồm trả một lần, trả góp, cho thuê; các hộ mua nhà nếu có nhu cầu sẽ được vay vốn với lãi suất thấp; công bố và áp dụng các tiêu chuẩn được mua căn hộ và diện tích kinh doanh theo vị trí và điều kiện kinh doanh của hộ dân khi còn ở phố cổ.

Quận cũng đã có tờ trình TP cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất GDPC tại Việt Hưng để phù hợp với lối sống trong khu phố cổ là nhà ở thấp tầng, kinh doanh buôn bán gắn liền với mặt phố. Giai đoạn I (dự kiến thực hiện từ năm 2011-2015), ngoài quỹ nhà ở, đề án sẽ bố trí chỗ kinh doanh cho khoảng 39% số hộ dân phố cổ đến định cư (tương đương khoảng 700/1.800 hộ). Trong khu giãn dân cũng sẽ dành quỹ đất phù hợp để bố trí các công trình công cộng, phúc lợi xã hội để khu GDPC Việt Hưng thực sự trở thành khu nhà ở phát triển theo hướng bền vững, gắn kết giữa môi trường, con người và cộng đồng.

Về cơ chế kêu gọi các DN tham gia đầu tư, cũng theo ông Vũ Văn Viện, đề án đề xuất: TP cho phép chủ đầu tư được lựa chọn nhà đầu tư thứ phát để đầu tư xây dựng khu giãn dân và bán với giá bảo đảm kinh doanh theo hình thức giao thầu. Nhà đầu tư thứ phát được hưởng đầy đủ các cơ chế ưu đãi theo quy định hiện hành đối với các dự án xây dựng nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; cho phép nhà đầu tư được khai thác, kinh doanh toàn bộ diện tích thuộc phần tầng hầm của công trình và một phần diện tích kinh doanh được xây dựng của tòa nhà.

Tuấn Lương