Lao động phi chính thức: Đang bị bỏ rơi?

Đời sống - Ngày đăng : 05:57, 04/08/2011

(HNM) - Hiện nay thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30 - 60% tổng thu nhập quốc gia, đóng góp 20% GDP cho cả nước. Tuy nhiên, từ rất lâu, không ít NLĐ làm việc mà không có hợp đồng lao động và không được đóng BHXH.

Dù đã có một vài chương trình về an sinh xã hội hướng đến số LĐ tự do thuộc khu vực này, nhưng chưa thường kỳ trong chương trình phát triển nguồn nhân lực của quốc gia.

Lao động phi chính thức hiện chiếm số đông trong xã hội. Ảnh: Khánh Nguyên

Hiện khu vực lao động phi chính thức (KVLĐPCT) có 11 triệu việc làm, chiếm gần 1/3 tổng việc làm chính và gần 1/2 số việc làm phi nông nghiệp. Cả nước có 8,4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh phi chính thức, trong đó 7,4 triệu hộ coi là việc làm chính và 1 triệu hộ coi đó là việc làm thứ hai. KVLĐPCT có quy mô hoạt động từ nhỏ đến rất nhỏ, dễ dàng tổ chức hoạt động và hầu như không bắt buộc phải tuân theo các quy định do Nhà nước đề ra. Khu vực này đã thu hút một số lượng khá lớn những NLĐ không có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội với giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của người nghèo. Họ là những LĐ tự do với các nghề uốn tóc, thợ may tại nhà, buôn bán rong, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, người giúp việc gia đình… và những người tự nguyện làm công cho người khác bằng "hợp đồng miệng". Vì vậy, khoảng trống thiếu hụt về việc làm và thu nhập đối với một bộ phận lớn người dân đã được giải quyết, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thành công nhờ sử dụng nguồn lao động này. Một số nghiên cứu cũng chứng minh, lượng lao động phi chính thức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nguồn cung cấp nhân lực lớn nhất (chiếm 1/3) và ngày càng có xu hướng mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, có rất ít hoạt động quan tâm đến người lao động ở các KVLĐPCT. Đa số không tham gia BHXH, không có tổ chức công đoàn, gặp khó khăn khi vay vốn, không chế độ nghỉ phép năm, không lương hưu, dễ bị chủ bóc lột sức lao động…

Từ nhiều năm, Việt Nam đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân nhưng lao động KVPCT đều không tham gia vì họ thấy rằng, BHYT không giúp giảm đi nhiều gánh nặng từ chi phí về y tế… Một nguyên nhân khác là do luẩn quẩn trong đói nghèo, lại hạn chế về năng lực, kiến thức và vật chất nên họ thực sự không muốn hòa nhập xã hội. Nguyên nhân nữa là trong kế hoạch bao phủ BHYT, nhóm lao động tự do lại được xếp sau cùng trong lộ trình ưu tiên trong khi nhóm này tập trung rất lớn người nhập cư. Điều này khiến cho gánh nặng bệnh tật ngày một gia tăng và dù một bộ phận muốn tham gia BHYT nhưng vẫn nhụt chí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện xã hội đang tồn tại sự chuyển đổi giữa tính chính thức và phi chính thức. Bởi vậy, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm tính phi chính thức. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ KVLĐPCT và việc làm phi chính thức. Bên cạnh đó, xã hội cần phải thừa nhận và bớt kỳ thị đối với lao động khu vực này. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một cuộc điều tra toàn diện về khu vực việc làm phi chính thức để có cái nhìn đầy đủ, qua đó có thể đề ra những chính sách thích hợp nhằm nâng cao điều kiện sống cho họ.

Tú Linh