Hiện đại quá, hóa xa dân
Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 04/08/2011
Chợ Hàng Da
Hàng Da Plaza (TTTM Hàng Da) được bố trí làm hai phần. Phần TTTM với những mặt hàng cao cấp và dịch vụ ẩm thực, làm đẹp… bắt đầu từ tầng 1 trở lên. Chợ Hàng Da phục vụ dân sinh, chiếm toàn bộ tầng hầm. Tại đây cũng có đủ mặt hàng thịt sống, rau xanh, hoa quả, thực phẩm chế biến… và đặc biệt, "đặc sản" vốn xưa nay nổi tiếng ở chợ Hàng Da là quần áo "secondhand" (đã qua sử dụng) vẫn được ưu tiên dành cho mấy dãy ki-ốt. Song, chị Hoa kinh doanh tại chợ cho biết, khách vào xem hàng, mua bán trong chợ hiện nay chỉ bằng một phần ba so với thời kỳ kinh doanh ở chợ cũ. Nguyên nhân là do lối vào chợ quá khuất (chỉ có hai lối đi dẫn xuống tầng hầm thì một lối lại nằm ở đường luồn khe phía sau tòa nhà). Hơn nữa, vì khoác trên mình cái vỏ ngoài "TTTM" hiện đại nên chợ dân sinh dù còn nhưng người tiêu dùng vẫn e ngại, sợ giá cao nên không dám vào mua.
Chợ Hàng Da. |
Mà quả thật, chợ Hàng Da bây giờ rất hiện đại. Toàn bộ không gian chợ được chiếu sáng đủ tiêu chuẩn, được điều hòa không khí mát lạnh vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thực phẩm thừa, rác thải được thu gom thường xuyên, vận chuyển ngay ra ngoài bằng xe đẩy. Mặt sàn luôn được lau chùi, không có nước bẩn tồn đọng như trước. Tại một số quầy, chim bồ câu, gà được để ở mặt sàn phía sau quầy để moi ruột, buộc lạt tạo dáng. Sơ chế xong, những con chim, con gà được đặt luôn trên mặt quầy, không che đậy, không có tủ kính. Mấy hàng thịt lợn, thịt bò thì pha thịt, lọc xương ngay trên sàn, hàng nào cẩn thận thì có thêm một tấm nilông trải bên dưới. Những chỗ "sơ chế" này chỉ cách đường cống thoát nước... một gang tay!
Điều đáng nói là không một quầy, ki ốt bán thực phẩm hay quần áo đã qua sử dụng nào ở chợ Hàng Da có niêm yết giá. Loáng thoáng có mấy quầy bán đồ ấm chén thủy tinh, gốm sứ dán giấy ghi giá vào một vài sản phẩm. Tuy nhiên, số mặt hàng được niêm yết giá cũng chỉ chiếm phân nửa số hàng được bày bán. Kể cả trên tầng bán đồ uống, tạp phẩm, quần áo thuộc Hàng Da Plaza, giá bán cũng chỉ được dán ở một số mỹ phẩm, quần áo, còn lại thì tùy thuộc vào loại khách hàng mà người bán quyết định đưa ra mức giá phù hợp.
Chợ Cửa Nam
Cũng như chợ Hàng Da, chợ dân sinh Cửa Nam được bố trí tại tầng hầm của tòa nhà mới và có tên gọi "Chợ rau sạch Cửa Nam". Vậy nhưng 9h sáng, trong khi chợ "cóc" họp trên đường Ngô Sĩ Liên gần đó đang tấp nập người mua rau, bán thịt thì chợ Cửa Nam vắng hoe, gian hàng rau sạch chỉ có vài túi rau muống, rau dền, dưa chuột, cà rốt… cất trong tủ lạnh. Phần lớn diện tích của gian hàng này được dùng để bày các mặt hàng miến, mỳ, bột ngọt… đóng gói. Bên gian bán hàng thực phẩm đóng gói và hàng tiêu dùng, khách ra vào cũng thưa vắng như vậy. Khác với chợ Hàng Da, tại đây có khá nhiều thực phẩm và gia vị nhập khẩu như hạt mạch, hạnh nhân lát, hạnh nhân bột… được đóng trong những hộp nhựa trong, bên ngoài chỉ có duy nhất một tờ giấy ghi xuất xứ Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, trọng lượng, giá và hạn sử dụng. Tuyệt đối không có hướng dẫn cách sử dụng cũng như thông tin dinh dưỡng của sản phẩm. Những thực phẩm đã có bao bì đóng gói sẵn của nhà sản xuất, thông tin bằng tiếng Việt trên bao bì chỉ có giá, tên sản phẩm và xuất xứ như chất làm đông Malaysia, bún khô China, bánh phở Thái, mỳ Phúc Kiến Singapore, dưa muối USA, mắm cá lốc Philippines, xốt củ cải Đức… Khi chúng tôi cầm một gói mỳ có toàn chữ Trung Quốc và một hộp xốt có toàn tiếng Đức đến hỏi một nhân viên bán hàng cách sử dụng, cô này lắc đầu, nói rằng khách mua hàng ở đây phần lớn là người nước ngoài, họ tự tìm sản phẩm mình yêu thích, do vậy cũng tự đọc thông tin trên bao bì luôn (!).
Theo Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011), việc chế biến, sơ chế thực phẩm tươi sống của cơ sở sản xuất, kinh doanh phải cách xa nguồn có khả năng gây bệnh. Điều 29 Pháp lệnh về giá quy định: cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, việc niêm yết phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Còn theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa… Nếu so với thực tế thì xem ra, chợ Hàng Da và chợ Cửa Nam sau khi được hiện đại hóa vẫn chưa được quản lý và hoạt động theo phong cách hiện đại, tức là thực hiện đầy đủ mọi quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, nhiều chợ dân sinh khác trong trung tâm thành phố cũng sẽ được xây dựng lại như chợ Hôm - Đức Viên, Ngọc Hà, Ngã Tư Sở… Người nội trợ mong muốn sự hiện đại hóa này không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi gia đình và ảnh hưởng tới văn minh đô thị bởi khi chợ dân sinh, chợ truyền thống khó hoạt động thì theo quy luật, chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát sẽ mọc ra nhiều hơn.