Xây dựng luật: Không nên vì khó mà gác lại
Chính trị - Ngày đăng : 16:12, 03/08/2011
Trong tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 phải đảm bảo 4 yêu cầu: Thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Phải gắn với ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; Hướng trọng tâm vào xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô;, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố tổ chức bộ máy nhà nước cùng với những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án còn lại thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII, các dự án có yêu cầu cần thiết và đã có thuyết minh rõ ràng, bố trí các dự án trong từng kỳ họp theo thứ tự ưu tiên.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 gồm 28 dự án luật, 01 dự án nghị quyết, 02 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức, 27 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh trong Chương trình chuẩn bị.
Đáng chú ý, trong chương trình chính thức có Luật phòng, chống rửa tiền, Luật quản lý giá, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật đất đai (sửa đổi), Luật hộ tịch, Luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…
Cũng trong tờ trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội về sự điều chỉnh tiến độ của một số dự án so với đề nghị của các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội, trong đó có các dự án Luật quy hoạch, Luật đô thị, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật việc làm, Luật Thủ đô…
Với dự án Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là dự án thuộc Chương trình chính thức năm 2011, đã được Quốc hội khóa XII xem xét tại kỳ họp thứ 9 vừa qua nhưng chưa được thông qua do một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Hiện nay, Chính phủ đề nghị tiếp tục trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là một dự án Luật quan trọng, đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài nên tán thành với đề nghị của Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (dự kiến tháng 10/2012).
Không nên vì khó mà gác lại
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, các đại biểu cơ bản đồng tình với chương trình. Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng chương trình nên dựa trên thực tế đời sống, những luật nào cấp thiết trong thực tế cần phải được ưu tiên làm trước, không vì khó, còn nhiều ý kiến khác nhau mà gác lại. Đồng thời, quỹ thời gian Quốc hội họp mỗi năm không nhiều, trong khi yêu cầu xây dựng pháp luật rất lớn, nên từ khâu soạn thảo, thẩm tra các dự án luật cần có sự phối hợp chặt chẽ, làm sao để trong thời gian ngắn, Quốc hội có thể xây dựng được luật tốt nhất và luật khi ra đời phải có tính lâu dài.
“Chúng ta nên ưu tiên những vấn đề mà thực tế đặt ra cấp thiết hoặc thiếu đồng bộ, không nên vì có ý kiến vênh, khác nhau mà gác lại”, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nói.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị đưa một số luật vào chương trình chính hoặc chuẩn bị như: luật biển, luật đầu tư công, mua sắm công, luật biểu tình, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật việc làm, luật quản lý kinh doanh vốn nhà nước…
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, khi chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua thì coi như đã có hiệu lực pháp luật. Cơ quan được giao xây dựng luật không thể không trình luật, phải coi đó như trách nhiệm chính trị. Do đó, giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Quan trọng hơn, khi luật đã được thông qua, phải có ngay nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và có sự giám sát thi hành. Nên chăng, Ban soạn thảo khi xây dựng luật, cũng cần xây dựng song song các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn.
Đáng chú ý, các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến về việc xây dựng Luật Thủ đô.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Quốc hội khóa trước đã đưa ra bàn thảo Luật Thủ đô nhưng không thông qua được vì chưa có nền tảng. Theo ông, chúng ta không thể làm Luật Thủ đô trước Luật Đô thị. Do đó, để Luật Thủ đô có thể thông qua, cần có sự gắn kết trong tiến độ xây dựng hai luật này.
Các đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng tán thành, để Luật Thủ đô khi đưa ra không bị gác lại, không mâu thuẫn với các luật hiện hành, cần phải ban hành các luật chuyên ngành trước rồi mới ban hành Luật thủ đô. Do đó, nên chuyển Luật thủ đô vào chương trình chuẩn bị.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Luật Thủ đô còn nhiều điểm băn khoăn, cần được giải thích rõ hơn. Quốc hội nên tiếp tục có định hướng, giải thích để công chúng tin tưởng, sau Luật thủ đô sẽ không có địa phương nào được ban hành luật riêng cho địa phương.
Tuy nhiên, các đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị nên giữ nguyên khung chương trình thông qua Luật Thủ đô trong năm tới. Theo các đại biểu, Luật Thủ đô không vi hiến và có thể điều chỉnh những luật đã ban hành trước. Trong Luật Thủ đô có một số điều liên quan đến đặc thù riêng của Thủ đô nhằm đảm bảo quản lý Thủ đô tốt hơn.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng ủng hộ ban hành Luật Thủ đô bởi một nước chỉ có một thủ đô. Tuy nhiên, ông đề nghị, dự luật cần được hoàn thiện khác hơn, hiệu quả hơn so với dự luật đã trình tại nhiệm kỳ trước để Thủ đô phát triển xứng tầm so với quy hoạch chung của Thủ đô vừa được phê duyệt.