Vì sao các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 03/08/2011

Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2011 với kết quả khả quan. Tuy nhiên đã có ý kiến phân tích xung quanh vấn đề này.

Việc đặt vấn đề phân tích về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại xuất phát từ thực tế là ngân hàng (NH) đạt lợi nhuận khá cao trong khi các doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn.

Xin nêu một vài con số, lợi nhuận trước thuế của NH TMCP Đại Dương (OceanBank) đạt 475 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 59% kế hoạch năm 2011. Còn lợi nhuận trước thuế của NH TMCP Kỹ thương (Techcombank) là 1.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch cả năm 2011. Tuy nhiên đây cũng là các NH có tốc độ tăng trưởng tốt.

Về vấn đề NH đạt lợi nhuận cao, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng những khó khăn vĩ mô và chính sách dường như chỉ tác động lên các doanh nghiệp đi vay vốn để kinh doanh sản xuất, chứ không tác động đến các NH.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu NH thương mại có lãi thực cũng là điều đáng mừng cho nền kinh tế. Bởi nếu NH thua lỗ, mất khả năng thanh toán thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng vốn điều lệ của NH rất lớn, độ lãi tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu không thể so sánh lợi nhuận với doanh nghiệp bằng con số tuyệt đối. Hiện nay, mức tỷ suất lợi nhuận các NH ở nước ta không hẳn là cao. Đó là chưa kể có thể có trường hợp lợi nhuận của NH hiện nay có một phần là lợi nhuận ảo, do có thể có các hợp đồng đảo nợ, đưa lãi vay hợp đồng lần trước vào vốn vay lần sau, một số khoản là lãi trên bút toán…

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định tương tự. Theo ông Nghĩa, con số lợi nhuận của NH ở tuyệt đối thì lớn, nhưng nếu chia cho tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thì lại chưa cao.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong tình hình hiện tại, điều quan trọng là làm lành mạnh hóa hệ thống NH, bởi nếu để các NH thương mại cạnh tranh không minh bạch thì nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả.

Hiện nay, vẫn có việc các NH “ngầm chạy đua lãi suất”, đến lượt mình, người gửi tiền lại cố gắng thỏa thuận lãi suất cao với NHTM. Tất cả những “vòng xoáy” đó sẽ dẫn đến gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Doanh nghiệp không chỉ cần vốn mà còn cần vốn với chi phí thấp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp thích hợp để doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt được nguồn vốn.

chinhphu.vn