Nguy cơ úng ngập vẫn rình rập

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 03/08/2011

(HNM) - Ngày 2-8, UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai phương án phòng, chống ngập úng trên địa bàn. Hội nghị đã nêu ra nhiều vấn đề nóng bỏng, ảnh hưởng đến công tác tiêu, thoát lũ của Hà Nội hiện nay như tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ ngày càng nghiêm trọng; công trình thủy lợi xuống cấp..

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt yêu cầu xem lại trách nhiệm của cán bộ đơn vị thủy lợi. Không thể cứ nói vi phạm, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không ai đặt vấn đề nghiên cứu xem phải xử lý thế nào. 


Phố Lương Định Của ngập sâu trưa 2/8. Ảnh: Hoàng Hà.

Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, Hà Nội đã bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mới đây nhất là bão số 3, tổng lượng mưa đo được khoảng 635mm, cao hơn cùng kỳ hơn 100mm. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã, do lượng mưa rải đều nên đến thời điểm này dung tích nước ở 11 hồ chứa đã gần ngưỡng thiết kế, một số hồ bắt đầu tràn tự chảy. Đáng lo ngại nhất là tại một số tuyến sông "huyết mạch" làm nhiệm vụ hoặc hỗ trợ thoát úng cho khu vực nội thành như sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy... dù lượng mưa bão số 3 gây ra ở mức thấp nhưng mực nước cũng đã dâng gần hết ngưỡng cho phép. Hôm qua 2-8, mực nước sông Nhuệ tại Liên Mạc đạt 4,26/4,68m; Hà Đông 4,5/4,48m...

Như vậy, nếu lượng mưa ở mức 200 đến 300mm thì nguy cơ quá tải sẽ xảy ra vì tình trạng vi phạm hành lang trên những con sông thoát lũ "chủ lực" như sông Nhuệ, sông Tô Lịch đang ở mức độ nghiêm trọng, xử lý gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho thấy, sông Nhuệ qua các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và quận Hà Đông, đã có gần 5.000 vụ vi phạm, với hàng trăm nghìn mét vuông đất hành lang sông bị chiếm dụng, gây cản trở dòng chảy. Ngoài vi phạm hành lang sông, theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, trên khoảng 500km đê các tuyến sông Hà Nội cũng tồn tại hàng nghìn vụ vi phạm, ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCLB. Việc giải quyết vi phạm giữa các bên có sự đùn đẩy trách nhiệm hoặc chưa rõ ràng. Từ đầu năm đến nay, dù TP chỉ đạo quyết liệt, một số địa phương ráo riết ra quân nhưng kết quả xử lý rất thấp. Nhức nhối nhất là tình trạng xe tải 50- 60 tấn tàn phá mặt đê thiết kế tối đa cho xe trọng tải 10 tấn.

Vấn đề đáng lo ngại là hiện hệ thống gồm 437 trạm với gần 2.000 máy bơm các loại ở khu vực ngoại thành chỉ đủ sức tiêu úng với lượng mưa trong 3 ngày từ 250-300mm. Trong khi thời tiết diễn biến ngày càng bất lợi, tình trạng xuống cấp của hệ thống tiêu nội đồng, tình trạng đổ phế thải, vi phạm lấn chiếm dòng chảy ngày càng gia tăng khó kiểm soát; tốc độ đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp dịch vụ, khu dân cư tập trung... đã và đang làm thay đổi quy hoạch tiêu của các hệ thống... Trong khi đó, quản lý cũng còn nhiều bất ổn như phân cấp quản lý công trình chưa rõ ràng; phối hợp giữa các doanh nghiệp thủy lợi với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ... Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi đang xây dựng gặp không ít khó khăn vì vốn, thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa... Ông Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Tích cho rằng, các trạm bơm tiêu, công trình thủy lợi xây dựng mới, tu sửa để "chờ" xin phép đầy đủ các giấy tờ, thủ tục thì không bảo đảm yêu cầu tiến độ cho nhiệm vụ PCLB.

Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội cho biết: Theo kịch bản tiêu chống úng nội thành, khi tiêu sông Nhuệ ở khu vực Hà Đông phải đóng 2 đập Cầu Đìa, đập Cầu Sa khu vực Đan Phượng, Hoài Đức. Tuy nhiên, đóng sớm hay muộn là vấn đề rất nhạy cảm về thời gian, phải chính xác, có sự phối hợp đưa ra phương án hiệu quả nhất, nếu không việc tiêu úng sẽ gặp khó khăn. Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt yêu cầu các đơn vị, địa phương trên cơ sở phương án PCLB tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chủ động, linh hoạt, bám sát thực tế. Các đơn vị thủy lợi, công ty thoát nước và địa phương phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch tiêu thoát úng hiệu quả; ngành điện rà soát lại cơ sở vật chất, cung cấp nguồn điện ổn định; hoàn thiện quy hoạch thủy lợi theo hướng đầu tư trạm bơm tiêu theo vùng, lưu vực...

Vào khoảng từ 11h15 đến 11h45 ngày 2-8, đã xảy ra mưa lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, tổng lượng mưa đo được tại các điểm là: Vân Hồ 42mm, Đồng Bông 87mm, Yên Sở 70mm, Thanh Liệt 55mm, Hồ Tây A 44mm, Bắc Thăng Long-Vân Trì 34mm... Do mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn nên một số vị trí bị úng ngập như đường Nguyễn Khuyến, Thái Thịnh, đầu phố Lê Trọng Tấn, phố Nguyễn Đức Cảnh, Giải Phóng (trước Bến xe phía Nam), Trường Chinh (trước Bệnh viện Không quân)... là những điểm đã được dự kiến trước. Công ty đã chủ động hạn chế mực nước hệ thống mương, sông, hồ ở mức thấp nên nước thoát nhanh. Việc ứng trực đã được triển khai ngay khi xảy ra mưa, thực hiện tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy. Các dàn thiết bị cơ giới kịp thời hỗ trợ thông tắc tại vị trí được phân công. Cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hòa nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ liên tục vận hành để hạ mực nước. Đến 13h-13h30 ngày 2-8, các vị trí úng ngập đã rút hết nước.

Tuấn Lương

Chí Đạo