Thiếu chế tài răn đe
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 03/08/2011
Đóng BHXH là trách nhiệm của DN để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động. |
Chây ì để trục lợi
Trao đổi với PV Hànộimới, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Cao Văn Sang cho biết, đến hết tháng 6 năm nay, có 15.700 DN nợ BHXH 3 tháng với số tiền 418 tỷ đồng; 4.172 DN nợ từ 3 đến 6 tháng, số tiền nợ 126 tỷ đồng; 2.454 DN nợ từ 6 đến 12 tháng, số tiền nợ 95 tỷ đồng; 1.755 DN nợ trên 12 tháng, số tiền nợ là 111 tỷ đồng.
Các DN chây ì đóng tiền BHXH chủ yếu là DN tư nhân, DN có 100% vốn nước ngoài hoặc các DN liên doanh, DN ngành xây dựng. Đáng nói là những DN này đều đã thu tiền BHXH của người lao động nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước để trục lợi. Người lao động trên thực tế đều biết thực trạng này, nhưng từ trước tới nay vẫn chưa có ai (hoặc công đoàn đại diện cho người lao động) đứng ra khởi kiện DN để đòi quyền lợi chính đáng.
Ông Cao Văn Sang khẳng định: "Các DN không nộp tiền BHXH hoặc nộp không đúng thời gian quy định là vì muốn chiếm dụng quỹ BHXH để hưởng lợi về tài chính. Về mặt khách quan, có thể DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không có tiền để nộp. Nếu vay ngân hàng thì lãi suất cao hơn lãi chậm nộp BHXH. Vì thế, DN có thể chọn giải pháp thiếu nợ BHXH. Về mặt chủ quan, nhiều DN cho dù có khả năng tài chính nhưng vẫn chọn giải pháp nợ vì lãi chậm nộp thấp, hơn nữa mức xử phạt cũng ít (tối đa 30 triệu đồng)". Xem ra cũng không khó hiểu vì sao DN thường chọn giải pháp chiếm dụng quỹ BHXH, mà không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, cũng như không hề "lăn tăn" đến uy tín thương hiệu.
Chế tài chưa đủ mạnh
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc BHXH quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết để yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 cưỡng chế 2 DN là Công ty Vận tải biển thương mại Việt Ca Sinh (nợ trên 94 triệu đồng) và Công ty TNHH TM-DV Hải Gia (nợ gần 128 triệu đồng). BHXH quận 1 trước đó đã gửi đơn khởi kiện 2 DN này ra TAND quận 1. Mặc dù tòa án đã hòa giải xong và yêu cầu 2 DN phải thanh toán nợ dứt điểm, nhưng đến nay họ vẫn chây ì không thực hiện.
Đó chỉ là 2 trong số 263 DN mà BHXH TP Hồ Chí Minh đã khởi kiện từ năm 2008 đến nay, với tổng số tiền nợ là 121 tỷ đồng, trong đó 123 DN đã khắc phục theo bản án, thu hồi 56 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, BHXH TP đã khởi kiện 59 DN với tổng số nợ là 15,2 tỷ đồng.
Tình trạng DN nợ tiền BHXH kéo dài trong khi chế tài xử phạt để răn đe còn quá nhẹ khiến dư luận, đặc biệt là người lao động, bức xúc, lo ngại. Ông Cao Văn Sang cho biết, UBND TP Hồ Chí Minh từng kiến nghị trung ương xem xét áp dụng nâng mức phạt lên 5-10% trên tổng số tiền BHXH bị chiếm dụng, bởi mức phạt tối đa 30 triệu đồng như hiện nay không đủ sức răn đe. Việc chỉ áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm đối với hành vi chậm nộp BHXH cũng không hợp lý, dễ tạo điều kiện cho DN chiếm dụng tiền BHXH để gửi ngân hàng hưởng lãi (do lãi suất gửi ngân hàng hiện nay vào khoảng 20%/năm). Theo ông Sang, về mặt hành chính nên xử phạt thật cao để buộc các DN có ý định vi phạm phải "chùn tay". Đặc biệt, cơ quan chức năng nên bổ sung tội "chiếm dụng tiền nộp BHXH của người lao động" trong Bộ Luật Hình sự. Theo đó, người đứng đầu DN sẽ bị xử phạt theo Luật Hình sự về hành vi chiếm đoạt tiền của người lao động, khi đã trích lương của họ nhưng không nộp.
BHXH là chính sách an sinh cho người lao động, song do còn nhiều "kẽ hở" nên không ít DN đã né tránh trách nhiệm, hoặc chây ì không đóng BHXH, gây thiệt thòi cho người lao động. Vì vậy, cần có những chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động cũng như bảo đảm nguồn thu cho các cơ quan bảo hiểm.