Đầu xuôi, đuôi lọt
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 02/08/2011
Thực tế ở các bộ, ngành và địa phương cho thấy, không ít TTHC đã gây khó dễ trong môi trường kinh doanh và việc chậm trễ thời gian là do kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30): Kết quả thực hiện không đồng đều giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau. Một số bộ, ngành, địa phương chậm thực hiện Đề án 30, thậm chí đối phó, coi như hoạt động phong trào, chưa xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Ngay cả hiện nay, kiểm soát TTHC đang là nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách TTHC và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn nhưng việc tổ chức, triển khai ở các đơn vị dường như vẫn chưa có sự thống nhất. Cán bộ còn làm các công việc liên quan đến TTHC, hiểu sai vấn đề của việc kiểm soát TTHC nên dẫn đến triển khai không đúng.
Với những đơn vị có quyết tâm cao thì dù gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện vẫn tìm ra hướng giải quyết. Để đạt được tỷ lệ đơn giản hóa tới 85% TTHC thuộc thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lồng ghép công tác cải cách TTHC vào giao ban tuần, tháng và cả công tác đánh giá thi đua, bình chọn các danh hiệu của từng đơn vị, từng cán bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo bộ chỉ đạo thông suốt việc áp dụng một văn bản sửa nhiều văn bản; đồng thời, việc rút gọn các trình tự xây dựng, trình và ký văn bản. Bộ dành kinh phí, khoảng 150 triệu đến 200 triệu hằng năm cho mỗi đơn vị của bộ phục vụ công tác cải cách TTHC. Để giải quyết vấn đề nhân lực thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh lại hệ thống văn bản với số lượng lớn liên quan đến nhiều TTHC khác nhau, Bộ Giao thông - Vận tải đã điều động một đồng chí vụ phó vụ pháp chế sang bộ phận văn phòng để chủ trì công tác kiểm soát TTHC…
Kinh nghiệm ở những đơn vị làm tốt công tác cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung là đều phải có người đứng đầu trực tiếp đôn đốc và chịu trách nhiệm về công tác này chứ không nên "khoán trắng" cho bộ phận giúp việc. Đồng thời, để duy trì hiệu quả, cần có một cơ chế giám sát cũng như thưởng, phạt thật rõ ràng với cán bộ, công chức. Cùng với việc mỗi cán bộ phải tự phấn đấu rèn luyện, mỗi cơ quan cần có những quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt, người lãnh đạo phải luôn quan tâm kiểm tra, hướng dẫn và gương mẫu tại từng đơn vị, thậm chí, cần có chế tài cụ thể với người đứng đầu mỗi đơn vị trong việc thực hiện công tác CCHC.