Cần bảo đảm tính khách quan
Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 02/08/2011
Công cụ hữu ích
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Ảnh: Phương An
Đến nay, trong công tác CCHC mới chỉ thực hiện việc thí điểm đánh giá đối với một số nội dung về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính… chưa có công cụ và phương pháp thích hợp nào để kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện. Vì vậy, Bộ chỉ số TDĐG CCHC ra đời với các tiêu chí rõ ràng sẽ giúp xếp loại khách quan, chính xác kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ): "Bộ chỉ số này được nghiên cứu, xây dựng theo cách tiếp cận khoa học, vừa theo dõi được quá trình thực hiện, vừa đánh giá được kết quả cuối cùng. Cách thể hiện nội dung các tiêu chí và phương án đánh giá rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và dễ thực hiện". Ưu điểm của Bộ chỉ số được thể hiện trước tiên ở việc tách thành 2 bộ chỉ số: áp dụng cho cấp tỉnh và cho cấp bộ; trong đó, có phân chia các lĩnh vực, tiêu chí đánh giá, xác định điểm tối đa, điểm đánh giá và phương pháp đánh giá. Bộ chỉ số áp dụng chung cho cấp tỉnh có 8 lĩnh vực, 41 tiêu chí; cho cấp bộ có 8 lĩnh vực với 37 tiêu chí. Trong đó, cả cấp tỉnh và cấp bộ có 6 lĩnh vực theo dõi đánh giá chung là: công tác chỉ đạo điều hành CCHC; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; đổi mới cơ chế quản lý các cơ quan hành chính (CQHC) và đơn vị sự nghiệp công lập, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của CQHC. Để phù hợp với tính chất đặc thù của mỗi cấp, bộ chỉ số của cấp tỉnh sẽ có riêng 2 lĩnh vực: xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; cấp bộ có thêm 2 lĩnh vực là: xây dựng thể chế, cơ chế chính sách quản lý đối với ngành, lĩnh vực và thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực. Cả Bộ chỉ số TDĐG của cấp tỉnh và cấp huyện đều được tính theo thang điểm 100. Trong đó, từng tiêu chí của các lĩnh vực sẽ tương ứng với số điểm cụ thể, căn cứ vào tầm quan trọng của lĩnh vực đó trong chương trình CCHC.
Tỷ lệ tự đánh giá còn cao
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Bộ chỉ số TDĐG CCHC, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thang điểm 100, mà dành tới 15 điểm cho công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (của cấp tỉnh) là nhiều; dành 10 điểm cho lĩnh vực thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" là ít. Đặc biệt, số điểm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với TTHC được xem là quá thấp khi chỉ được tính 2 điểm (với cấp tỉnh) và 4 điểm (với cấp bộ). Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá hầu hết là do các địa phương, bộ, ngành báo cáo nên sẽ không khách quan. Chuyên gia CCHC Đặng Đức Đạm cho rằng: "Cần tăng tính khách quan của bộ chỉ số thông qua việc tăng tiêu chí phản ánh tác động CCHC, bởi điều cốt lõi của CCHC là xem người dân và DN được hưởng gì từ CCHC chứ không chỉ là cải cách những gì". Ý kiến chung của các chuyên gia là cần mở rộng hơn sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và ý kiến của người dân và các tổ chức xã hội. Việc lấy nhiều nguồn đánh giá như vậy sẽ giúp kết quả đánh giá mang tính khách quan, toàn diện hơn, thuyết phục hơn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp cho rằng: "Việc tính điểm nên tập trung vào các nội dung mà Chính phủ và người dân quan tâm như cải cách TTHC, nâng cao chất lượng CBCC, ứng dụng CNTT… chi tiết cả về định tính và định lượng. Điểm số của những nội dung này phải chiếm 50-60% trên tổng số điểm. Đồng thời, cần đưa vào yếu tố đánh giá nhận thức, quyết tâm chính trị của người đứng đầu".
Quan sát cho thấy, việc phân chia thành khu vực (thành phố, miền núi, biên giới, hải đảo) để TDĐG cho phù hợp được các tỉnh miền núi rất quan tâm bởi nếu theo dự thảo, sẽ có những chỉ tiêu quá xa vời với tỉnh. Chẳng hạn như chỉ tiêu mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải đạt 70% TTHC trong số TTHC thuộc thẩm quyền được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1 và mức độ 2 mới được 1 điểm. Tương tự, với bộ chỉ số áp dụng cho các bộ, các chuyên gia cũng cho rằng, cần tính đến yếu tố đặc thù, không nên "cào bằng". Những bộ có nhiều TTHC liên quan đến người dân, tiếp xúc nhiều với người dân và DN (công thương, y tế, giáo dục, kế hoạch và đầu tư, xây dựng…) thì rất khó đạt đủ 4 điểm tối đa của tiêu chí mức độ hài lòng của người dân. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu không thực tế như: thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo (vì việc này phải thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ chứ đơn vị không tự tổ chức được); tính sáng tạo trong cải cách tổ chức bộ máy (vì phải là đúng theo quy định chứ không được tự sáng tạo)…
Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa khẳng định, Bộ chỉ số TDĐG sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng phần đánh giá của người dân, DN, ít nhất cũng phải chiếm 30% để bảo đảm tính khách quan; phần CQHC nhà nước tự đánh giá sẽ chiếm khoảng 60 đến 70%; đồng thời, sẽ điều chỉnh các chỉ tiêu, tỷ lệ điểm của bộ chỉ số cho phù hợp để cuối năm 2011 thực hiện thí điểm tại một số bộ và tỉnh.