Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 02/08/2011

(HNM) - Xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Bộ mặt xã đang thay đổi từng ngày, thế nhưng phía sau vùng quê đang trở mình mạnh mẽ là những số phận, những mảnh đời cần lắm sự sẻ chia.

Xã có 52 người khuyết tật, 14 trẻ mồ côi. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã lựa chọn 19 người khuyết tật và 2 trẻ mồ côi để hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các hình thức: cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ vốn mua bò giống, lợn giống; hướng dẫn cách chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; sửa chữa nhà cửa, làm đường tiếp cận; trao xe lăn, học bổng... với nguồn kinh phí 100 triệu đồng.

Chương trình hỗ trợ sinh kế đã mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo cho những gia đình người khuyết tật ở nông thôn.

Gia đình bà Hoàng Thị Kiệm nghèo nhất xã Tân Thịnh. Nhà có 3 nhân khẩu nhưng gánh nặng mưu sinh đều dựa vào người đàn bà 67 tuổi và người chồng ngoài 72 tuổi ốm yếu bởi người con trai duy nhất trong nhà lại không may mắc bệnh tâm thần. Dù gia đình ăn uống dè sẻn cả năm nhưng vẫn thiếu đói vào mùa giáp hạt. Được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam hỗ trợ tiền mua lứa lợn thịt, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lợn, gia đình bà Kiệm đã có cơ hội thoát nghèo. Bà Kiệm phấn khởi cho biết: "Vừa rồi vợ chồng tôi đã xuất chuồng được lứa lợn thịt đầu tiên, trừ chi phí lãi được vài triệu đồng. Vậy là vợ chồng tôi đã có khoản vốn nho nhỏ để tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Nếu không có sự giúp đỡ thì vợ chồng tôi không biết xoay xở đâu ra tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình".

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2011, Hội dành khoản kinh phí 3,6 tỷ đồng tập trung triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ở 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, đó là: Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), Tam Phước (huyện Phù Ninh, Quảng Nam), Gia Phố (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), Định Hòa (huyện Gò Quao, Kiên Giang), Tân Lập (huyện Đồng Phú, Bình Phước), Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh). Sau 6 tháng, không ít hộ gia đình khuyết tật đã vươn lên thoát nghèo. "Người khuyết tật được vay vốn, được dạy nghề, tạo việc làm, được hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình... Đây là chương trình phù hợp với người khuyết tật nghèo ở nông thôn, không chỉ mở ra những cơ hội thoát nghèo mà còn giúp người khuyết tật tự tin, tái hòa nhập cộng đồng và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của những người xung quanh với người khuyết tật", ông Liêu nhấn mạnh. Tới đây, Hội sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn của Nhà nước, nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để nhân rộng mô hình sinh kế cho người khuyết tật trong phạm vi cả nước.

Chương trình hỗ trợ sinh kế nông nghiệp của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam ở 6 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Đã đến lúc, chương trình cần được nhân ra diện rộng tại nhiều địa phương trong cả nước để người khuyết tật được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Quỳnh Anh