Trách nhiệm pháp lý trong vụ cháy tại Hải Phòng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 02/08/2011

Vừa qua, báo chí thông tin nhiều về vụ cháy xưởng da giày tại Hải Phòng khiến rất nhiều người thiệt mạng và bị thương. Vậy pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với những người có liên quan trong vụ cháy này?

Trần Văn Bốn và một số bạn đọc

Luật sư Vũ Thái Hà
(Công ty Luật TNHH YouMe, ĐT: 0913.55.99.44 website: www.youmevietnam. com) trả lời:

- Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và bắt tạm giam một số đối tượng có liên quan tới vụ hỏa hoạn này để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Người có hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động, những người có liên quan sẽ bị xem xét và xử lý theo Điều 227 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Với hàng chục người thiệt mạng và bị thương, hậu quả của vụ cháy là đặc biệt nghiêm trọng. Người có hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị xem xét và xử lý theo khoản 3 Điều 227 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 227 Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

“Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".