Về ngôi trường có hai thủ khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 06:46, 02/08/2011
Tin vào thầy cô
Nói chuyện với chúng tôi về ngôi trường của mình, thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Thế Thịnh nhấn mạnh: Bên cạnh phong trào dạy và học đã được phát huy hiệu quả, chính cha mẹ học sinh là những người rất có trách nhiệm, quan tâm tới việc học tập của con em mình, trong khi Trung Giã vẫn còn là một xã nghèo, mức sống và dân trí chưa cao. Cả trường có khoảng 600 học sinh thì hơn một nửa thuộc hộ nghèo. Nỗi lo cơm áo khiến cho họ chỉ biết gửi gắm "trăm sự nhờ các thầy". Đằng sau lời nhắn gửi giản dị ấy chứa đựng biết bao sự tin tưởng vào nhà trường, cả những kỳ vọng lớn lao cho tương lai con em của họ. Thầy giáo Nguyễn Thế Thịnh cũng tâm sự: Là một người lính, có lẽ phần nào tôi đã mang kỷ luật quân đội vào việc quản lý nhà trường theo đúng phương châm "lấy kỷ cương, nền nếp làm sức mạnh tạo đà nâng cao chất lượng dạy và học".
Hai thủ khoa Nguyễn Khánh Linh và Nguyễn Vũ Duy Hiếu. |
Đã từ 7 năm nay, trường đều đặn tổ chức tuyên dương cho các học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi ĐH. Năm 2010, hơn 100 em học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1 đã được tuyên dương trong tổng số 359 em tốt nghiệp. Năm nay, trường có hai thủ khoa là em Nguyễn Khánh Linh, Nguyễn Vũ Duy Hiếu đều là học sinh lớp 12A1. Cũng như phần lớn các bạn khác, cả hai em đều ôn tập cùng các thầy, cô giáo trong trường thay vì đi xa luyện thi, bởi "chúng em tin tưởng vào các thầy, các cô, cũng như nhìn vào tấm gương các anh chị khóa trước", Nguyễn Khánh Linh giải thích.
Con gái mà giỏi tự nhiên
Điều gây ấn tượng đầu tiên ở Nguyễn Khánh Linh, cô thủ khoa Học viện Ngân hàng, có lẽ là có đôi mắt trong veo với gương mặt xinh xắn. Nhưng đằng sau những nét trẻ thơ ấy, Linh có những suy nghĩ khá chín chắn về việc học tập và con đường tương lai. Khánh Linh cho biết, bố mẹ là những người luôn ở bên cạnh và động viên em trên con đường học tập. Mẹ Linh, chị Nguyễn Thị Phú, là giáo viên lớp 2 Trường THCS Trung Giã, cũng là một cô giáo rất nghiêm khắc của em. Chị Phú kể lại, hồi ở tiểu học, chính chị là người cho con mình điểm 8, điểm thấp nhất mà cô bé từng nhận được, khiến cho Linh tấm tức khóc cả buổi học.
Không chỉ say mê các môn học tự nhiên, Linh còn rất thích môn ngoại ngữ. Từng có ý định thi khối D song do e ngại môn tiếng Anh không "chọi" nổi với các bạn học sinh nội thành nên Linh quyết định thi khối A. Tuy nhiên, sau khi thi Học viện Ngân hàng, ở đợt thi thứ hai, Linh vẫn thử sức với khối D ở Trường ĐH Ngoại thương và đạt kết quả cao. Về kinh nghiệm học hành, thi cử, Linh tâm sự: Mọi người thường quan niệm con gái theo học các môn tự nhiên sẽ rất vất vả. Riêng em thấy con gái cũng có những thế mạnh ở lĩnh vực này. Trong các kỳ thi, tính cách cẩn thận, chỉn chu của nữ giới giúp em không bị mất điểm trong những câu hỏi dễ, vốn thường là điều đáng tiếc với nhiều thí sinh.
Trước câu hỏi liệu việc chọn thi vào ngành ngân hàng có phải phần nào do ảnh hưởng của tâm lý đám đông, do ngành đó đang được coi là "hot" hay không, Linh cho biết: "Trước khi chọn trường, chọn ngành để thi, em đã tham khảo rất kỹ ý kiến của gia đình, của thầy cô cũng như sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn. Với em, điều quan trọng nhất là ngành học phải phù hợp năng lực của mình, tiếp đến là hợp với sở thích. Em cũng thích nghề dạy học của mẹ, em nghĩ sau này nếu thực sự yêu nghề sư phạm thì cũng có thể học tiếp để được dạy học".
Cậu thủ khoa đa tài
Nói về cậu bạn cùng lớp Nguyễn Vũ Duy Hiếu, thủ khoa Học viện Tài chính với 28 điểm, Linh vui vẻ giới thiệu: "Bạn ấy không những học tốt mà còn hay quan tâm giúp đỡ người khác, lại là người đa tài lắm đấy ạ!". Ngượng nghịu trước lời khen của bạn, Hiếu cho biết, kỳ thi vừa rồi vào ngành kế toán - kiểm toán, em vẫn còn cảm thấy vô cùng tiếc khi môn hóa sở trường chỉ đạt 9,25 điểm. Ở đợt thi thứ hai, Hiếu còn dự thi khối B ở Trường ĐH Y Hà Nội và đạt 26,5 điểm. Chưa hết, hiện Hiếu đã qua 4 năm là học sinh hệ Trung cấp dài hạn của Học viện Âm nhạc quốc gia, bộ môn accordeon và organ.
Trong ngôi nhà giản dị của Hiếu, bố mẹ của em vẫn chưa hết ngỡ ngàng với kết quả thi của cậu con trai. Mẹ của Hiếu, chị Vũ Lan Thúy kể lại: "Nhận được tin vui, mẹ là người Hiếu báo tin cho trước tiên. Song người thực sự đồng hành với Hiếu trong việc học tập nhiều năm qua chính là bố của cháu". Anh Nguyễn Văn Tuyên đã từng ròng rã cùng Hiếu đi về hơn 100km mỗi ngày trong suốt 4 năm, để sáng cậu học ở Học viện Âm nhạc quốc gia, chiều lại kịp về trường học văn hóa.
Câu chuyện cùng thầy giáo hiệu trưởng và các bậc phụ huynh của Nguyễn Khánh Linh và Nguyễn Vũ Duy Hiếu phần nào lý giải vì sao vùng quê nghèo như Trung Giã (Sóc Sơn) vẫn có được những thủ khoa.