Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã hết mùa ngâu!

Xã hội - Ngày đăng : 16:22, 01/08/2011

Trong những ngày đầu “cuộc trùng phùng mãi mãi” trang trọng của vợ chồng cụ Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người viết đã có cuộc trao đổi cùng phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, người tham gia trực tiếp trong quá trình khai quật mộ cụ Nguyễn Kiều và “đưa cụ” về bên người vợ rất mực thương yêu - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.


Sở dĩ người viết bài này dám mạo muội nói về tình cảm riêng của người xưa là "rất mực yêu thương" vì những câu thơ khóc vợ của cụ Nguyễn Kiều từ lúc sinh thời vẫn như tạc vào hồn người yêu văn chương, dù thời gian có muôn trùng vời vợi: “… Đào chưa tươi đã khô/ Quế đang thơm đã rũ/ Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu/ Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ…”

Bất ngờ khi khai động mộ cụ Nguyễn Kiều

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường kể lại: "Ngày 24/7, cuộc khai quật bắt đầu và đến 19h45 phút ngày 28/7 công việc trên hiện trường mới hoàn thành. Như vậy sau 5 ngày, đoàn công tác đã hoàn thành tốt đẹp cuộc khai quật trong thời tiết nắng nóng khác nghiệt."

Nhóm công tác của viện Khảo cổ học Việt Nam đang làm việc


Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường: “Trong hai ngày 25 và 26/7, chúng tôi mở hố khai quật 30m2 và tiến hành khai động nấm mộ có gạch xây bao xung quanh mà theo tấm bia to đặt trên mộ ghi năm 1931. Nằm sát ngay vách tây của hố khai quật, cách hàng gạch dưới cùng của nấm mộ 1m81, phát hiện được một chiếc bát úp trên một bình gốm nhỏ. Dựa vào kiểu dáng trang trí hoa văn và kích thước chúng tôi cho rằng hai hiện vật này có niên đại rất muộn: cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20."

Phải sau đó, dấu vết ngôi mộ cụ Nguyễn Kiều bắt đầu được phát lộ, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường kể lại: "Từ lớp gạch cuối cùng của nấm mộ lớn xây năm 1931, đào sâu xuống gặp tiểu bằng gỗ hình chữ nhật nằm cân đối giữa huyệt. Chiều dài của tiểu 0m80; rộng 0m25. Chiều 26/7 chúng tôi phát hiện ra dấu vết của xương cẳng tay có lẽ là xương cẳng tay bên trái. Xương rất mủn nát. Tấm bia lớn, mấy chữ ở phần đáy bia bị mờ nên chưa thể đọc được là chữ gì."

Được biết đến sáng ngày 27/7 anh Nguyễn Quang Hà - cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích thành cổ Cổ Loa đã mang giấy bản lên để dập bia. Cả đoàn công tác của Viện Khảo cổ đã thật vui mừng khi anh cho biết dòng cuối đã dịch được đó là: “Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí.” (Cụ Nguyễn Kiều còn có hiệu là Hạo Hiên).

Cũng theo ông Nguyễn Lân Cường: "Trong ngày 27/7 chúng tôi phát hiện được dấu tích xương của ngành hàm dưới bên phải và vòm của đỉnh sọ cụ Nguyễn Kiều. Thế là không thể nghi ngờ gì nữa. Đôi chỗ trong tiểu gỗ phát hiện thấy những vẩy sơn màu đỏ vàng. Có khả năng đây là dấu tích của vết sơn son tiểu gỗ cụ Nguyễn Kiều."

Điều đặc biệt là cốt của cụ Nguyễn Kiều sau hơn 250 năm không thể lựa xếp từng chiếc như cốt người theo phong tục cải táng, vì thế mà chiều ngày 27/7 cả đoàn công tác đã phải họp bàn để tháo gỡ một khó khăn mới. Đó là dù Ban Quản lý dự án đã mua về một chiếc tiểu sành có kích thước lớn nhất. Nhưng vì xương quá mủn nát, nếu dỡ xương ra rồi cho vào tiểu thì chắc chắn sẽ bị vỡ vụn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường thuật lại: "Phải giữ lại nguyên khối đất trong đó có giữ hài cốt của cụ Nguyễn Kiều, không dỡ lẻ tẻ từng phần xương. Nhưng áng chừng khối đất lại vượt quá kích thước của tiểu sành. Đoàn khai quật đã nhất trí với dòng họ và Ban Quản lý Dự án là "thửa" ngay một tiểu mới bằng gỗ."

"Sau đó, toàn bộ khối đất và xương trong tiểu cũ được đưa vào trong tiểu mới bằng gỗ này. Tiểu lại đặt trong một quách bằng gỗ vàng tâm có trang trí bên ngoài. Phía trên tiểu gỗ phủ vải đỏ. Ngày hôm sau, cán bộ khảo cổ đã cắt phần đất còn giữ di hài của cụ Nguyễn Kiều đặt trên một tấm ván cùng kích cỡ. 19g30 ngày 28/7, khi tiểu và quách được chở đến hố khai quật, mọi công việc dòng họ và chúng tôi đã hoàn tất một cách tốt đẹp theo đúng lộ trình," phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh.

Vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm “đoàn tụ”

Sau gần 260 năm, sáng 29 tháng 7 tại cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quân Tây Hồ, vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lại được “đoàn tụ” trong buổi lễ hợp táng. Ngày 29/7 lễ hợp táng cũng đã hoàn thành trong tình cảm tôn kính của người dân Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Lân Cường cho biết, ngay từ mờ sáng, đội kèn trống, và đội tế cùng hàng trăm bà con trong thôn với những bộ trang phục lễ hội đẹp nhất đã tề tựu đông đủ để đưa cụ Nguyễn Kiều về nơi an nghỉ cuối cùng.

Phóng viên có hỏi PGS.TS Nguyễn Lân Cường rằng từ “hợp táng” liệu đã đúng? Ông chia sẻ: “Tôi cũng đã hỏi cẩn thận và tìm hiểu thì trường hợp này dùng hợp lý nhất. Nếu gọi là “hoàn táng” thì phải chôn cụ lại vào chỗ đã đào lên, nếu là “song táng” thì phải cùng chôn xuống, “tân táng” là cùng mới táng…".

Ông Nguyễn Lân Cường chia sẻ: "Chưa bao giờ có trường hợp như thế này để có một từ có ngay được sự nhất trí của mọi người. Từ "hợp táng" hay ở chỗ chữ “hợp” là nhấn mạnh vào sự đoàn tụ của hai danh nhân."

Người Hà Thành, khách văn chương từ nay có một điểm đến để đồng tưởng nhớ cặp vợ chồng tài danh trên đất “ngàn năm văn hiến”.

Chính lễ hợp táng


Như vậy, từ trước khi tháng Bảy âm lịch bắt đầu, vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã được bên nhau không chỉ trong lòng người yêu văn chương mà chung một không gian để không còn nữa mùa mưa ngâu thương nhớ.

Có lẽ trong hồn thiêng sông núi, ông bà không phải gửi đau đáu niềm riêng trước tử biệt sinh ly vời vợi hướng về nhau nữa. Không còn cả câu thơ sinh ly của bà gửi trong bản dịch "Chinh phụ ngâm": "Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai!" Và cũng không còn cả câu thơ tử biệt của cụ ông: "Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu?"

Vậy là từ nay chính quyền địa phương, bà con trong dòng họ và nhân dân thôn Phú Xá, sẽ thay mặt nhân dân cả nước chăm lo cho phần mộ hai cụ - hai vị danh nhân đã để lại những dấu son làm rạng rỡ nền văn học nước nhà./.

Cụ Nguyễn Kiều (sinh ngày 27-2-1695, mất ngày 16-6-1752), hiệu là Hạo Hiên, sinh tại làng Phú Xá, sinh ra tại làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ ông nổi tiếng hay chữ, có tài văn chương. Khoa Ất Mùi (năm 1715), đời Vua Lê Dụ Tông, ông đỗ tiến sỹ, được bổ làm quan, dần lên đến chức Đô ngự sử, tước bá.

Sau khi góa vợ, khoảng năm 1742, ông lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế. Cũng năm ấy, ông được cử làm Chánh sứ cùng Nguyễn Tông Quai làm Phó sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc).

Năm 1745, ông dẫn đoàn về nước. Năm 1748, ông được bổ chức Đốc đồng trấn Nghệ An. Trên đường theo chồng đi nhậm chức, bà Đoàn Thị Điểm bị bệnh nặng, rồi qua đời vào mùa thu năm ấy. Thương cảm người bạn đời vắn số, ông viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà.

Vietnam+