"Bão" ở 4 vòng cuối V-League 2011?

Xã hội - Ngày đăng : 09:11, 01/08/2011

Chiến thắng 2-1 của ĐT Việt Nam trước ĐT Qatar như làn gió mát, giúp VFF lẫn HLV Falko Goetz lấy điểm trong lòng người hâm mộ. Chưa kịp vui, sự phiền muộn có thể ập đến khi những vấn đề nhức nhối của sân cỏ nội địa đang chực bùng lên.


Ngày hôm qua, cơn bão Nock-ten đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ. Nhiều địa phương mưa to, gió nổi. Hà Nội cũng đã mưa-gió-nắng thất thường. Người dân, nhất là vùng rốn bão như miền Trung, lại thon thót, chuẩn bị oằn mình chống bão và nguy cơ lũ lớn, do triều cường dâng cao.

Càng về cuối giải, càng nhiều vấn đề nổi cộm, trong đó đặc biệt đáng chú ý là công tác trọng tài.


Mỗi cơn bão đi qua thường đầy dư vị buồn. Dường như dân nghèo là khốn khổ nhất. Nhà cửa không chắc chắn như người giàu nên dễ sập đổ, thu nhập trông cả vào ruộng nương thì bị bão, lũ dày xéo tơi bời.

Mỗi mùa giải cũng đầy bão. Bão cũng mạnh dần và tàn phá ác liệt ở mấy vòng đấu cuối. Cơn bão do thể thao nói chung, và bóng đá nói riêng mang lại, cũng làm buồn lòng người dân. Đã thấy mây đen vần vũ. Đỉnh điểm là trận thua thất thường của Thanh Hóa trước SLNA.

Hài hước ở chỗ, trận cầu đầy biểu hiện tiêu cực lại bị che lấp bởi những động thái không hiểu nổi giữa lãnh đạo đội bóng và ông HLV Lê Thụy Hải. Có nghĩa, điều cần xử lý nhất, là xác minh thực hư trận đấu có biểu hiện tiêu cực hay không, thì không ai đụng đến, cả BTC lẫn lãnh đạo đội Thanh Hóa cũng vậy.

Sự việc đã hóa bùn, cơn bão bóng đá chỉ người dân Thanh Hóa phải gánh chịu. Dân tỉnh Thanh còn nghèo, họ vẫn bỏ tiền mua vé lũ lượt đến sân cổ vũ cho đội bóng để có chút niềm vui. Thế mà, niềm vui đó bị chà đạp thật phũ phàng.

Vòng 23 này cũng rất nhiều trận đấu nhạy cảm. SHB.ĐN của Huỳnh Đức liệu có lơi chân trước ĐT.LA trên sân Chi Lăng? Tương tự, V.NB làm khách trên sân Hàng Đẫy gặp HN.ACB sẽ đá thế nào?

Không chừng bão lại nổi bởi cuộc đua trụ hạng đã đến hồi gay cấn, khi giới hạn nguy hiểm đã mở ra với hàng loạt đội. Cạnh tranh ngôi vô địch chỉ còn cuộc đua giữa SLNA và HN.T&T, thành ra những CLB xếp dưới đó đều không còn động lực.

Vị trí thứ 3, thứ 4 chẳng có ý nghĩa gì với các đội bóng Việt Nam. Do đó, sẽ rất khó ngăn cản được nếu đội A chủ ý lỏng chân để cứu đội B. HLV các đội thường bảo, giờ đây, chẳng ai dại (và dám) bán độ. Chẳng qua vì tình cảm nên gặp đội bóng đang ngắc ngoải không muốn “đạp thêm một phát” để dìm hẳn họ xuống bùn.

Nói là thế, nhưng ai khẳng định được những trận cầu đó là tình thương mến thương, hay bị mua bằng vật chất? Nhất là năng lực ngửi, đánh giá, thẩm định những trận đấu có biểu hiện tiêu cực của BTC giải không phải lúc nào cũng nhạy bén như dư luận mong đợi.

Tương tự, giới trọng tài viện giải không “vua” nào dám bán mình cho quỷ. Nói thế dễ bị trẻ con cười cho, bởi người ta sẵn sàng bỏ cả tỷ đồng để thưởng cho một trận thắng, thì sẵn sàng chi cho trọng tài chừng ấy, mà trọng tài cũng là con người!

Tuần qua, việc SHB.ĐN bị loại vì gian lận ở giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc cũng gây lên một cơn bão lòng, bởi rất nhiều số phận VĐV bị đẩy vào bi kịch khi bị thay tên, đổi tuổi. Đã khá lâu rồi (kể từ khi UB TDTT trước đây hiệu triệu các địa phương tự thú những VĐV gian lận tuổi), câu chuyện ăn gian tuổi mới xuất hiện. Rõ ràng, bệnh thành tích chỉ lắng xuống, chứ chưa được xoá bỏ hoàn toàn trong tư duy những người làm thể thao ở ta.

Chừng nào BTC giải, các giám sát và trọng tài tiên phong trong việc chống bão tiêu cực trong bóng đá, chừng ấy mới có bóng đá chuyên nghiệp. Còn không, chữ Chuyên chỉ là hình thức mà thôi.

Cầu mong cho cơn bão Nock-ten không gây thiệt hại, cũng như 4 vòng cuối của mùa bóng 2011 bão tiêu cực bị hóa giải.

Theo TT&VH