Xây dựng Hà Nội hiện đại và văn minh
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 01/08/2011
Ba năm, một quãng thời gian không dài, song Hà Nội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Thủ đô của chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức của tiến trình đô thị hóa như: quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, cải tạo môi trường... và hàng loạt khó khăn mới trên đường hội nhập và phát triển.
Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại trước hết phải tạo được bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Hà Nội đã dựa vào quy hoạch tổng thể về KT-XH và đề án quy hoạch chung vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để từng bước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết XV của Đảng bộ đề ra.
Trên lĩnh vực kinh tế, Hà Nội tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng, thị trường bán buôn, bán lẻ và xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Phát triển kinh tế tri thức, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những chỉ tiêu như GDP đầu người (tính đến năm 2010) đã đạt 1.964 USD; tổng sản phẩm nội địa 5 năm (2006-2010) ước tăng 10,4%/năm, cao gấp 1,5 lần cả nước là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của thành phố. Trên 100 ngàn doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh, 89% GDP của thành phố đã có sự đóng góp của các doanh nghiệp này, khẳng định cách làm của Hà Nội trong việc phát triển lực lượng sản xuất, coi trọng mọi thành phần kinh tế.
Để có một Thủ đô văn minh, hiện đại trong tương lai, kết cấu hạ tầng đô thị phải được xây dựng một cách đồng bộ. Các dự án xây dựng khu đô thị mới luôn gắn liền với xây dựng hạ tầng xã hội, vừa góp phần nâng cao diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người, vừa nâng cao đời sống của người dân.
Bộ mặt đô thị được chỉnh trang với việc xây dựng, cải tạo công viên, vườn hoa, điểm vui chơi công cộng... là điểm nhấn đặc biệt được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Phong trào xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí quy định được quan tâm thỏa đáng. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô. Nhưng, với Hà Nội, văn hóa luôn được coi là mục tiêu ưu tiên số một. Bên cạnh việc bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, Hà Nội thực sự trăn trở trong việc xây dựng được nếp sống văn hóa người Hà Nội, để không mất đi nét hào hoa, thanh lịch mà vẫn văn minh, hiện đại.
Ba năm đã qua, rất nhiều công việc trên các lĩnh vực giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân cũng luôn đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác tổ chức cán bộ được Hà Nội chọn là khâu đột phá đã thực sự tạo nên những bước chuyển tích cực nhất. Các cán bộ được bố trí, sắp xếp, luân chuyển hợp lý đã thực sự nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, mở rộng dân chủ trong Đảng, từ đó thay đổi từng bước cả phương thức lãnh đạo lẫn việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần nâng cao tính dân chủ trong đời sống xã hội.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, được sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; sự đồng lòng, góp sức của 6,5 triệu công dân Thủ đô cũng như của hàng triệu tấm lòng đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế chúng ta tin Hà Nội sẽ có thêm nhiều nguồn lực để tự tin và vững bước trên chặng đường mới - xây dựng một Thủ đô - thành phố vì hòa bình, giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, hiện đại và văn minh.