Mê Linh, ngày mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 01/08/2011

(HNM) - Môi trường nông thôn sạch sẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang và đời sống người dân ngày càng được cải thiện… đó là những điểm nổi bật mà nhóm PV Hànộimới ghi nhận tại huyện ngoại thành Mê Linh sau 3 năm hợp nhất về Hà Nội. Niềm vui Thủ đô mở rộng tròn 3 tuổi được nhân lên khi nông dân Mê Linh vừa hoàn thành thu hoạch vụ lúa xuân thắng lợi, nông sản được mùa, được giá.

Trên cánh đồng cửa Chùa, thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong (Mê Linh), ngay từ sáng sớm, nhiều người đã ra đồng chăm sóc rau và hoa. Lão nông Nguyễn Văn Nam vừa thoăn thoắt chuyển mướp đắng lên xe bò, vừa khoe: "Năm nay mướp đắng được mùa, sâu bệnh ít, 2 sào mướp này, gia đình tôi thu được khoảng 5 tấn quả. Với giá bán 5.000-6.000 đồng/kg, trừ chi phí, cũng để ra được trên hai chục triệu đồng. Thu hoạch xong mướp đắng, đầu tháng tám (âm lịch) tới, chúng tôi sẽ xuống giống hành tây chuẩn bị cho vụ Tết. Đất ít, phải quay vòng, không cho đất nghỉ, chịu khó làm lụng mỗi năm cũng để ra được dăm bảy chục triệu đồng". Không chỉ vui khi nông sản được mùa, được giá, lão nông Nguyễn Văn Nam còn vui vì từ khi về Hà Nội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quê ông được cải thiện rõ rệt: "Trước đây mọi sinh hoạt của thôn đều phải họp nhờ trong đình làng, trường mầm non chưa có việc dạy và học của giáo viên, học sinh rất vất vả. Từ năm 2009 đến nay, trường mầm non, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, nhân dân phấn khởi lắm. Vì có chỗ hội họp, vui chơi giải trí sau mỗi buổi lao động vất vả… ".

Nông dân Mê Linh thu hoạch mướp đắng.

Đi dọc quốc lộ 23B từ Tiền Phong đến các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm, hay trên tuyến đê tả Hồng qua các xã Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà… chúng tôi đều cảm nhận thấy một Mê Linh đang đổi thay từng ngày. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều xen lẫn màu xanh mướt của rau, hoa, cây trái. Chủ tịch UBND xã Văn Khê Nguyễn Thành Phẩm hồ hởi: "Từ khi trở thành công dân Thủ đô, nhân dân phấn khởi lắm. Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp thu tiến bộ KHKT, được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Môi trường nông thôn sạch sẽ nhờ việc thu gom, vận chuyển rác thải đã được thực hiện, ý thức người dân cũng được nâng lên. Từ chỗ Trạm Y tế xã Văn Khê không có bác sỹ, nay đã có hai bác sỹ được tăng cường, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân".

Theo Phó phòng Kinh tế huyện Bùi Quốc Hội, khoảng chục năm nay, nhất là sau 3 năm hợp nhất về Hà Nội, mặc dù đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp được giữ vững. Nhà nào còn đất dù ít hay nhiều đều sử dụng hiệu quả. Những mảnh ruộng trước đây chỉ cấy 2 vụ lúa, đã chuyển sang trồng rau, hoa cho giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, những năm trước, rau, hoa chủ yếu trồng ở vùng đồng, nay đã chuyển dần sang vùng bãi sông Hồng với diện tích gần 400ha. Dự kiến trong một hai năm tới, diện tích trồng rau, hoa sẽ được mở rộng hơn nữa.

"Kinh tế, xã hội Mê Linh có bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng giảm (khoảng 200ha so với năm 2008) nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 2%/năm", đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng khi trao đổi với PV Hànộimới về những kết quả đạt được sau 3 năm hợp nhất. Cũng theo ông Trọng, bình quân mỗi năm, TP Hà Nội đầu tư cho huyện khoảng 100 tỷ đồng kiên cố hóa trường học, 40-50 tỷ đồng cho công tác vệ sinh môi trường… Vì vậy, từ chỗ hệ thống trường học xuống cấp, chủ yếu là phòng học tạm, đến nay hệ thống trường học trên địa bàn cơ bản được kiên cố hóa theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia. Hằng năm, huyện Mê Linh còn được đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác cải tạo, nâng cấp, nạo vét hệ thống kênh mương cấp 1, xây dựng trạm bơm tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Cũng trong 3 năm trở lại đây, công tác xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề cho nông dân được đặc biệt quan tâm, các hộ nghèo đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Riêng năm 2010 toàn huyện có hơn 2 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no đủ. Huyện cũng đã huy động được 1,44 tỷ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng 288 nhà ở cho hộ nghèo. Đến nay, Mê Linh đã cơ bản không còn nhà dột nát, số hộ nghèo giảm nhiều. Kinh tế từng bước phát triển đã và đang mang đến một diện mạo mới cho Mê Linh. Một ngày mới đang về trên vùng đất cổ.

Thu Hằng