Nông thôn đổi mới từng ngày
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 01/08/2011
Sức sống mạnh mẽ ấy bắt nguồn từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền các cấp, và hơn hết là những nỗ lực của những người dân bình dị, chăm chỉ, luôn khao khát cháy bỏng một cuộc sống tốt đẹp.
Hơi thở mới ở những miền quê
Trở lại Khánh Thượng (Ba Vì) một ngày mưa cuối tháng 7. Những cung đường rừng trước đây lầy lội bùn đất, lởm chởm đá sỏi nay đã "khoác" lên mình "tấm áo mới" tinh tươm. Xa xa, những vạt rừng, cánh đồng lúa hòa quyện cùng một màu xanh mát mắt. Cuộc sống đồng bào dân tộc Mường nơi xa nhất, nghèo nhất Thủ đô thực sự thay da đổi thịt. Ông Cấn Thanh Hải (59 tuổi) ở bản Hương Canh, nhớ lại cách đây 3 năm, con đường độc đạo dài 5km đi từ trung tâm xã về bản thật gian khổ với những con sông, con suối luôn chực chờ chia cắt mỗi khi có lũ. "Giờ thì đồng bào vui rồi! Đường đã thông, cầu đã nối, hết cảnh cuốc bộ đường rừng". Con đường bê tông rộng 6m với 3 cây cầu bắc qua suối đã biến ước mơ bao đời của 600 con người bản Hương Canh nghèo khó thành hiện thực. Trò chuyện với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành bộc bạch: "Gần 20km đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa, rải nhựa. Trường Tiểu học A, Tiểu học B, Trung học cơ sở, các trường mầm non cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới khang trang, sạch đẹp". Vui sướng hơn khi nhà máy nước sạch với kinh phí 7 tỷ đồng đã hoàn thành, đồng bào 3 bản Hương Canh, Đồng Sống và Bắt Còn Chèm bắt đầu được dùng "nước tự chảy".
Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển vùng rau an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Bá Hoạt |
Rời Khánh Thượng, chúng tôi về xã Ba Vì, nơi chỉ có hơn 2.000 dân nhưng gần 100% là đồng bào Dao. Người Dao ở Ba Vì vẫn chăm chỉ làm thuốc Nam từ hàng trăm năm nay để chữa bệnh cứu người. Bà Triệu Thị Nội, thôn Hợp Nhất, năm nay bước sang tuổi 72 đã có hơn 60 năm gắn bó với cây thuốc nói trong niềm xúc động: "Cuộc sống người Dao đã đổi khác, con cháu có chốn học hành tử tế là đồng bào mừng!". Dù vậy, Chủ tịch HĐND xã Ba Vì Lý Văn Thọ vẫn có những tâm tư về việc mở rộng đất sản xuất (là xã miền núi nhưng Ba Vì chỉ có 300ha đất, bị thu hẹp do nằm trong quy hoạch Vườn Quốc gia Ba Vì); bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam trở thành thương hiệu và làm du lịch.
Bỏ lại sau lưng núi đồi, đèo dốc, chúng tôi về Khu Cháy (Ứng Hòa) anh dũng, kiên cường. Con đường rộng thênh thang vào xã Trung Tú, hai bên là những đầm sen ngào ngạt hương thơm. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên bộc bạch: "Nông thôn vùng trũng đang dần mới hơn nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, phải lo cho dân để hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc". Những tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Ứng Hòa tăng 25%, đạt giá trị gần 1.130 tỷ đồng, năng suất lúa xuân cao chưa từng có, gần 66tạ/ha. Đáng chú ý, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vào thủy lợi, giao thông, trường học, nhà văn hóa... có bước đi nhanh, vững chắc (bình quân 5 năm qua tăng 28%/năm) với 1.357 tỷ đồng, tăng 11 lần so với giai đoạn trước. Những tuyến đường huyết mạch giúp phát triển KT-XH được ưu tiên xây dựng như đường Minh Đức - Ngăm, Quàn Xá - Thái Bằng, Cầu Lão - Xóm Cát... 80% đường liên xã, 76% đường liên thôn và hàng trăm kilômét đường nội đồng đã bê tông hóa.
Hướng đến nông thôn mới hiện đại, văn minh
Hà Nội hiện có gần 4 triệu người đang sinh sống ở nông thôn, chiếm khoảng hơn 60% tổng dân số. Một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên của Đảng bộ, chính quyền các cấp TP Hà Nội đã, đang và triển khai quyết liệt là chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. TP đang tập trung triển khai xây dựng điểm NTM ở 19 xã và triển khai đại trà giai đoạn đến năm 2015 với trên 40% số xã đạt chuẩn NTM. Theo hướng này, TP đặt mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho nông dân, phấn đấu đạt 25 triệu đồng/người/năm; mỗi năm giải quyết việc làm cho 70.000 đến 75.000 lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm... Khu vực nông thôn cũng sẽ hướng đến giá trị sản xuất nông nghiệp 231 triệu đồng/ha/năm với những giải pháp cụ thể như tăng diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao, đạt 35%; trồng rau an toàn tập trung 5.500ha; trồng hoa, cây cảnh 2.160ha... Chăn nuôi ổn định với đàn lợn khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm khoảng 15 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 200 nghìn con... Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm đạt trên 400 nghìn tấn. Mỗi năm chuyển đổi 200-250ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hằng năm ngân sách thành phố dành khoảng 30% tổng đầu tư cho "tam nông" để đạt mục tiêu năm 2020 hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, riêng kinh phí đầu tư xây dựng điểm NTM tại 19 xã được hơn 771 tỷ đồng; đầu tư sản xuất nông nghiệp hơn 600 tỷ đồng...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tin tưởng những chương trình, đề án như nuôi trồng thủy sản (tổng kinh phí đầu tư 851 tỷ đồng); cấp nước sạch vệ sinh môi trường (3.250 tỷ đồng); sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (9.000 tỷ đồng); xây dựng nông thôn mới (32.000 tỷ đồng); phát triển giao thông nông thôn (6.200 tỷ đồng); phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao (963 tỷ đồng); chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm (1.086 tỷ đồng), với tổng kinh phí thực hiện lên đến hơn 53 nghìn tỷ đồng sẽ là động lực thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có bước phát triển mới, năng động, hiệu quả để hướng đến xây dựng NTM hiện đại, văn minh.