Đồng hành với những tấm lòng nhân ái

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 01/08/2011

(HNM) - Mới đó mà đã tròn 3 năm đất "trăm nghề" về với Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hơn 1.000 ngày hợp nhất, Hà Nội không chỉ rộng hơn về mặt địa lý, mà trọng trách của các ngành, các cấp dường như cũng lớn hơn để sao cho Thủ đô mở rộng thực sự là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước. Trong những nỗ lực chung của cả thành phố, có phần đóng góp không nhỏ của Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới.

Ba tháng sau hợp nhất, "sự cố" thiên tai đầu tiên giáng xuống Thủ đô, trong đó vùng Hà Nội mở rộng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt ngập úng do mưa lớn kéo dài trên diện rộng, diễn ra nhiều ngày đã khiến hàng nghìn hécta lúa và hoa màu chìm trong nước. Cả một vùng rộng lớn trải dài: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Phú Xuyên… rồi cả Mê Linh ngập chìm trong nước. Nhiều nơi nước ngập sâu tới 2m; nhiều làng, xã bị cô lập nhiều ngày. Ban Biên tập Báo Hànộimới lúc đó đã quyết định: Toàn thể CBPV Báo Hànộimới ủng hộ mỗi người một ngày lương và trích Quỹ Trái tim nhân ái ủng hộ đồng bào vùng bị ngập úng. Bên cạnh đó, Quỹ kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng như Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển nhà và đô thị (HUD), Công ty CP Vincom, Công ty CP Ao Vua… Chúng tôi chuyển tới bà con các vùng ngập nặng những thứ họ cần như gạo, mỳ tôm, nến và tiền.

Cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới chuyển hàng cứu trợ ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: Nguyệt Ánh

Ba năm hợp nhất cũng là ba cái Tết Nguyên đán, Quỹ Trái tim nhân ái bận rộn hơn, bởi ở những vùng đất mới về với Hà Nội còn nhiều người dân khó khăn. Những ngày tháng Chạp là những ngày chúng tôi lại chụm nhau lại lên kế hoạch tặng quà Tết cho những hộ gia đình nghèo trước ngày ông Công ông Táo chầu Trời. Ngoài tiền ra, túi quà lo thế nào để một gia đình nghèo đủ để có thể thắp hương gia tiên ngày Tết. Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô miền Bắc là doanh nghiệp đã nhiều cái Tết đồng hành cùng quỹ. Không chỉ hỗ trợ bán với giá hợp lý nhất, doanh nghiệp còn luôn tặng thêm cho quỹ hàng trăm suất quà. Nhìn đồng bào nghèo đến nhận những túi quà nặng trĩu tay với vẻ mặt rạng rỡ, chúng tôi thật sự thấy vui. Họ là những hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc thực sự nghèo khó.

Cùng với những hoạt động mang tính thường niên, Quỹ Trái tim nhân ái đã đi tìm những mảnh đời éo le, kịp thời giúp đỡ như trường hợp tài trợ toàn bộ ca mổ tim cho cháu Nghiêm Thị Hương Giang ở xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Giang bị bệnh tim bẩm sinh, gia đình quá nghèo, không thể kham nổi ca phẫu thuật. Nhờ sự kết nối của quỹ, vợ chồng bà Trần Thị Liên, Việt kiều Canada đã tài trợ toàn bộ chi phí ca phẫu thuật là 43 triệu đồng. Thạc sỹ Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: "Nhóm bác sỹ đã phải làm việc nhiều giờ liền trong tình trạng hết sức căng thẳng để vá lỗ thông liên thất và sửa van động mạch chủ cho cháu Giang". Chị Đàm Thị Kỳ, mẹ cháu Giang xúc động nói: "Con có bệnh, nhà nghèo, tôi thực sự bi quan, bởi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để phẫu thuật cho cháu. Không chỉ giúp cháu Giang có nguồn tiền để phẫu thuật, Báo Hànộimới còn phát động trong toàn thể CBPV quyên góp ủng hộ cháu. Số tiền hơn 25 triệu đồng quyên góp đã được lập sổ tiết kiệm để cháu Giang có tiền tái khám định kỳ tháng/lần, trong 5 năm liên tục.

Với những trường hợp vượt khó vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, Quỹ Trái tim nhân ái cũng đã có sự động viên kịp thời. Điển hình phải kể tới hai học sinh của Trường THPT Ứng Hòa B đạt danh hiệu thủ khoa trong kỳ thi đại học năm học 2010. Đó là Phạm Văn Khánh (thủ khoa ĐH Bách khoa) và Lê Thị Minh Vượng (thủ khoa ĐH Y). Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng mà quỹ dành cho hai thủ khoa của lớp 12A3 không ngoài mong muốn "nâng cánh ước mơ", tạo sự bứt phá lớn trong cuộc đời các em. Còn nhớ bằng giờ này năm trước, có mặt tại ngôi trường làng trao học bổng cho hai em, Tổng Biên tập Tô Quang Phán thật sự xúc động trước nỗ lực vượt khó của các em, động viên các em phấn đấu hơn nữa để sau này trở thành những người có ích cho xã hội.

Cũng năm ngoái, vào dịp Tết Trung thu, Quỹ lại về xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ để tổ chức Trung thu với tên gọi thật ấm áp "Vầng trăng yêu thương". Miền quê nghèo vốn yên ả đêm đó rộn tiếng trống ếch và dường như sáng hơn bởi cả trăm chiếc đèn ông sao. Không chỉ trẻ nhỏ ở Thọ Lộc hớn hở vì được trông trăng, phá cỗ mà niềm vui còn lan tỏa đến cả người lớn. Ông Vũ Đức Phong ở thôn Thượng Lộc dẫn 3 cháu nội, ngoại tới dự đã không giấu nổi hạnh phúc: "Tôi đã ngoài 60 tuổi, cuộc đời sướng khổ đã từng nhưng có một đêm rằm như vậy mới là lần đầu chứng kiến". Ngày trước trẻ con Thọ Lộc vào những đêm Trung thu chỉ ngồi quanh sân đình chờ ánh trăng xuống thật gần soi rọi những món quà chỉ là múi bưởi, cái kẹo nhỏ hiếm hoi. Vậy đấy, niềm vui của con trẻ ở vùng quê nghèo dường như được nhân lên bội phần khi Quỹ Trái tim nhân ái đã mang về nơi đây một cái Tết Trung thu đầy đủ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Và cũng mới cách đây đúng một tuần, với tình cảm "Uống nước nhớ nguồn" quỹ đã về Phúc Thọ để trao 20 suất quà tặng những gia đình chính sách.

Tri ân, giúp đỡ, sẻ chia… là những từ mà Quỹ Trái tim nhân ái đã và đang nỗ lực mang đến cùng những gia đình chính sách, những thân phận kém may mắn, hoặc nâng cánh ước mơ cho những học sinh học giỏi vượt khó như hai thủ khoa đã nói ở trên. Đồng hành cùng Quỹ trong suốt chặng đường hơn 1.000 ngày đó còn có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Còn nhiều nữa những chương trình nhân đạo chúng tôi đã khơi dậy lòng nhân ái của xã hội dành cho cộng đồng mà trong khuôn khổ bài viết này chưa tường tận hết, như: xây nhà văn hóa ở Thạch Thất, tặng quà cho Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2… Tất cả đã cùng chúng tôi làm với cả tấm lòng và những mong không còn những gia đình phải sống trong cảnh "bữa nay lo bữa mai", để trẻ nhỏ được đến trường trong niềm vui trọn vẹn, để một Hà Nội hợp nhất đẹp hơn, tốt hơn, tươi sáng hơn.

Mai Trang