Hiện thực… ngủ quên

Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 31/07/2011

(HNM) - Vừa rồi, văn đàn lại nổi lên vấn đề văn học thời sự, chuyện không mới nhưng rất đáng nói vào lúc này. Thế nào là văn học thời sự ? Xin không đi sâu phân tích câu chữ, khái niệm, chỉ tạm nhìn nhận yếu tố đương đại và tính dự báo trong vấn đề này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, văn học vẫn viết về cuộc sống hôm nay đấy thôi, nhất là các cây bút trẻ: nào là những buồn vui trước sự biến động của gia đình, xã hội, xúc cảm của tuổi trẻ trong một thế giới hội nhập mạnh mẽ… Có thể kể đến thảm họa từ game online hay mặt trái của internet trong "Sát thủ online" của Nguyễn Xuân Thủy; rồi sự hủy hoại của ma túy trong "Hoa bay" của Chu Thanh Hương, cuộc sống của những người trẻ trong cuộc mưu sinh và tu nghiệp ở nước ngoài trong "Nước Mỹ, nước Mỹ" của Phan Việt… Gần đây, trước những biến động của vấn đề biển Đông, đã có không ít nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn từ Nam tới Bắc dành tâm huyết cho các tác phẩm hướng về biển đảo và sự toàn vẹn lãnh thổ. Nghĩa là có "yếu tố đương đại" trong các tác phẩm văn học. Song thế đã đủ chưa?

Cách đây một năm, Hội đồng LLPB VHNT TƯ đã có hẳn một hội thảo tập hợp được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực của VHNT để nói về câu chuyện "VHNT phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng có những mảng trống trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay của văn học như nông thôn trước sự biến động dữ dội của đô thị hóa, những số phận, hình tượng mới mẻ về doanh nhân trong thời đại mới, người lao động trong các khu công nghiệp… Và đặc biệt, có nguy cơ đứt gãy với đời sống hiện thực của một bộ phận những cây bút trẻ.

Trở lại với vấn đề văn học thời sự được đặt ra vừa qua, có nhiều ý kiến đồng quan điểm với nhận định trên của Hội Nhà văn Việt Nam. Như vậy, tuy có đề cập tới những nảy sinh của cuộc sống hôm nay, nhưng dòng văn học này chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Còn nhiều mảng hiện thực nóng bỏng của đời sống vẫn ngủ quên đâu đó trong trang viết của nhà văn.

Bên cạnh đó, chưa hẳn tác phẩm đề cập tới "yếu tố đương đại" nghĩa là đã làm tốt sứ mệnh "đồng hành cùng thời cuộc". Có nhiều cách nói về những vấn đề đương đại, nhưng có lẽ điều lớn nhất mà văn học làm được là mang lại cho người đọc một chỗ vịn để có thể đi tới trong cuộc đời này. Đối với một dân tộc, văn học còn mang lại sức mạnh làm nên nội lực. Vì vậy, tính dự báo có lẽ nên xem như một tiêu chuẩn cao của văn học thời sự. Nguyễn Xuân Khánh viết "Đội gạo lên chùa" kể những chuyện xửa xưa cách đây hàng mấy thập kỷ, nhưng sau "cổ tích" là một thông điệp đương đại rõ nét về lối tìm về với Phật giáo để tạo dựng sự cân bằng cho một cuộc sống dường như đang ngày một cuống quýt, căng thẳng hơn.

Viết được như vậy thật không dễ!

Hội nghị văn trẻ toàn quốc đang đến gần, cũng có nhiều bàn luận sôi nổi về độ tuổi, tiêu chuẩn giành "vé" tham dự… nhưng có lẽ cũng nên nói nhiều hơn tới sự vào cuộc của những cây bút đang "hừng hực khí thế" trước những vấn đề nổi cộm của đất nước. Đó là trách nhiệm và cũng là lối đi lên của văn học nước nhà.

Người Lái Đò