Văn hóa nơi công cộng

Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 31/07/2011

(HNM) - Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một kỹ năng quan trọng đối với mỗi người. Tuy nhiên, hiện vẫn có một bộ phận không nhỏ học sinh hành xử thiếu văn hóa nơi công cộng. Chúng ta hãy cùng nghe các em và các thầy cô giáo đánh giá về vấn đề này nhé.

Em Nguyễn Thúy Mai, học sinh lớp 12, THPT Nguyễn Gia Thiều

- Trong các quán cà phê, quán kem vỉa hè, nơi gặp gỡ quen thuộc của nhiều bạn học sinh, em thường xuyên nhìn thấy các bạn nói chuyện, nô đùa ầm ĩ, thậm chí chửi thề, văng tục bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh. Tại ngã tư hay trên xe buýt, một số bạn còn cư xử thiếu văn hóa như vượt đèn đỏ, tranh chỗ của người già… Thậm chí, ở những nơi tôn nghiêm như Văn Miếu, vẫn có bạn ăn mặc hở hang, ngang nhiên sờ đầu rùa trong khi đã có biển cấm… Đáng buồn hơn, nhiều bạn đã ý thức được hành vi đó là rất xấu nhưng hễ không có ai thấy là lại tái diễn. Lâu dần, những hành vi đó đã trở thành thói quen khó sửa.

Em Trần Thùy Linh, học sinh lớp 9, THCS Đống Đa

- Dịp hè này, em được làm "hướng dẫn viên du lịch" cho chị họ em ở nước ngoài về chơi. Em đã dẫn chị ấy đi ăn kem Tràng Tiền, đến Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, các rạp chiếu phim, siêu thị… Tại các điểm vui chơi công cộng này, chị em rất ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ chen lấn, xô đẩy để mua đồ ăn, mua vé. Chị cho biết, ở nước ngoài, muốn mua hàng ở những nơi đông đúc, mọi người luôn xếp hàng và giữ trật tự chờ đến lượt mình. Vào rạp chiếu phim, hai chị em được tận mắt nhìn thấy bã kẹo cao su dính ở khắp nơi: trên tường, trên các thành ghế, dưới sàn… mà thủ phạm không ai khác chính là một số bạn trẻ thiếu ý thức. Chị em nhận xét, các bạn học sinh ở Việt Nam thông minh, hiện đại, giỏi giang chẳng kém gì bạn bè quốc tế nhưng dường như không ít bạn quên học văn hóa ứng xử nơi công cộng.

Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường PTDL Nguyễn Siêu

- Giới trẻ ngày càng năng động, nhạy bén hơn trong việc tiếp thu cái mới, mặc dầu vậy, việc trau dồi, rèn luyện những cách ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng vẫn bị nhiều em xem nhẹ, bỏ qua. Trong xu thế hội nhập, chính những hành vi của các em đang làm xấu đi vẻ đẹp của người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

Đã đến lúc gia đình, nhà trường và xã hội cần có những quan tâm thực sự đến việc điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của giới trẻ. Ngoài việc tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng cho các em, chúng ta cũng nên đặt ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi thiếu văn hóa. Quan trọng hơn, mỗi người lớn phải thực sự là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa mọi lúc, mọi nơi để giới trẻ noi theo.

Thanh Phong