Đại dịch “thuyền đua”

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:55, 31/07/2011

(HNM) - Dân ta vốn quen bần hàn, không đua tranh giàu kém, chỉ một mong yên bình với hội làng, mâm chiếu... Ấy vậy mà từ đổi mới tiền nong rủng rỉnh đâm sinh ra tiêu pha, chơi bời.

Khổ nỗi sinh từ củ khoai, gốc mía; nên chưa biết ăn chơi cho đáng đồng tiền nên phủi tay bất chấp, "nhà ngói cũng như nhà tranh", nhất là khi túi bạc đã kè kè... Lại thêm, do luật pháp không chặt, lệ làng chỉ lo hơn kém, nên dần dần xuất hiện hiện tượng "trọc phú chơi sang", chuyên gia gọi là hội chứng "kém miếng". Hiện tượng ấy, hội chứng ấy càng phát triển mạnh khi nó chỉ bị lên án nhưng không bị trừng phạt; ngược lại, chỗ nào càng "hơn miếng" lãnh đạo càng giàu hơn do lợi dụng, tham ô từ ngân sách Nhà nước cấp cho những chương trình phát triển; từ công sức, tiền của của người dân trong những dự án công tư cùng làm.

Nước ta hiện có 22 sân bay. 22 trên 63 tỉnh thành là nhiều hay ít. Sẽ là rất ít nếu tính nước Mỹ, rộng hơn nước ta 30 lần, dân số hơn 4 lần mà có tới 5.000 (năm nghìn) sân bay. Từ Quảng Bình trở ra trước đây người Pháp đã xây dựng gần 10 sân bay: Đồng Hới, Vinh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Móng Cái, Hải Phòng. Gia Lâm, Bạch Mai... Nhưng chắc sẽ rất nhiều nếu xem xét vấn đề dưới góc độ nhu cầu, khoa học, kinh tế, điều hành...

Theo quy hoạch (Bộ GTVT trình và đã được duyệt) thì tới 2020 nước ta có thêm 4 sân bay nữa. Vừa rồi không hiểu do đâu bộ thêm mấy tỉnh cần sân bay: An Giang, Thanh Hóa, Công Tum... Thấy "kém miếng", các tỉnh khác cũng lập dự án khả thi xây sân bay. Cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

Sẽ không nói tới cái cớ ngớ ngẩn sân bay hỗn hợp "dân - quân" vì hai loại sân bay đó yêu cầu kỹ thuật, xây dựng, đầu tư và mọi thứ hoàn toàn khác nhau. Người Pháp xây nhiều sân bay thế có phải vì họ khai thác được thứ gì rất có giá cần xuất khẩu nhanh chóng hay hồi đó khách du lịch đến Việt Nam quá nhiều?

Hay dở tàu bay tàu bò xin đưa một hành trình Hà Nội - Vinh (300km):

Máy bay: Vé 1.250.000 đồng, thời gian 3 tiếng (1 giờ từ HN ra Nội Bài, 45 phút làm thủ tục, đợi bay; 45 phút bay; 20 phút thủ tục ra sân bay; 15 phút taxi về nhà).

Ô tô: Vé 150.000 đồng. Thời gian 6 tiếng 30 phút.

Nhanh hơn 3 tiếng, tốn hơn 1.100.000đ (gấp 7 lần), không tiền chùa, ai đi?

Hà Nội - Vinh đã vậy, Hà Nội - Thanh Hóa sẽ thế nào? (Hải Phòng có sân bay nhưng hình như không có tuyến thương mại với Hà Nội).

Máy bay chỉ nhanh, rẻ với cự ly xa (HN- Huế hay HN - Đà Nẵng máy bay 1.400.000đ, hơn 3 lần vé ô tô, nhanh gấp 6 lần)...

Nước ta dài mà hẹp, trục bay tốt nhất là dọc theo đất nước, còn nhánh tỏa chỉ ở hai đầu, với cảng chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực tế nước ta hiện nay thậm chí cả tàu cao tốc chưa phải là nhu cầu bức thiết. Chỉ cần giải quyết để tàu hỏa chạy trung bình 80km/h, ô tô 100km/h thì mọi miền đã rất gần gũi.

Năm nay đội học sinh Việt Nam dự thi Olimpic Toán quốc tế chỉ đứng thứ 31/101, kết quả tồi nhất trong 35 năm dự giải. Nhìn nhận thành tích này, Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét: "Chúng ta cần thôi nghĩ Việt Nam là một nước nhỏ. Một đất nước hơn 80 triệu dân, một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, thì không thể là một nước nhỏ được".

Thật buồn với cách nghĩ đó, nhưng nó xuất phát từ một sự thật - mải ganh đua "kém miếng", từ mâm chiếu giữa đình đến hội chứng cảng biển, xi măng, thép, sân gôn, trường đại học... đôi khi quên mất lợi ích sống còn của đất nước, của dân tộc "Khôn ngoan đối đáp người ngoài". Hội chứng đó đang có nguy cơ biến chứng thành đại dịch "Thuyền đua" đã từng được cảnh báo:

Đã đua ta quyết phải đua
Quyết đua ta quyết đua lên hàng đầu
Hàng đầu rồi tiến đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu quyết đua.

Nguyễn Triều