Nguy cơ mất cân đối nguồn vốn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 30/07/2011

(HNM) - Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, trong khi việc


Tùy theo số lượng tiền gửi, ngân hàng có thể thương lượng với khách hàng lãi suất huy động tiết kiệm USD ở mức 2,5-3,5%/năm (theo quy định chỉ có 2%). Với lãi suất đầu ra 6-8%/năm như hiện nay, ngân hàng vẫn có lãi, mặc dù mức dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đã tăng.


Khách hàng tới giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank).
Ảnh: Linh Tâm


Lý do chủ yếu dẫn đến việc "lách" trần huy động lãi suất USD là do nhu cầu vay ngoại tệ khá lớn. Tỷ giá đang ổn định cộng với chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD lên đến 12-14%/năm đã "đẩy" các DN vay ngoại tệ. Tính đến cuối tháng 6-2011, vốn huy động ngoại tệ tăng hơn 8,9% so với cuối năm 2010, nhưng dư nợ ngoại tệ tăng hơn 23%, trong khi dư nợ VND chỉ tăng hơn 2,4%. Đặc biệt, thời gian gần đây, sự dịch chuyển tiền gửi tiết kiệm từ USD sang VND của dân cư ngày càng rõ (người dân bán USD lấy VND gửi tiết kiệm). Vì thế, trong thời gian tới việc huy động ngoại tệ cũng không dễ cải thiện. Tuy nhiên, sự thiếu hụt đầu vào của tín dụng USD không đáng lo bằng sự mất cân đối nguồn vốn. Tiết kiệm USD hầu hết có kỳ hạn ngắn, hiện chủ yếu dưới 3 tháng, nhưng kỳ hạn cho vay tương đối dài, khoảng 6-12 tháng với các DN xuất khẩu. Chưa kể một số DN nhập khẩu thiết bị máy móc, thời hạn vay thường kéo dài vài năm. Như vậy, với cách làm này sẽ có không ít ngân hàng lâm vào tình trạng không có đủ nguồn vốn USD để ứng phó với diễn biến của thị trường tiền tệ, nhất là trong bối cảnh như hiện nay, việc hạ lãi suất VND có được ngành chức năng tính đến, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,17% so với tháng 6 và ngân hàng nhà nước hay ngân hàng cổ phần sẽ tiên phong trong lĩnh vực hạ lãi suất cho vay?.

Để đánh giá chính xác thực trạng tín dụng ngoại tệ, các ngân hàng cần thống kê rõ ràng. Thời gian gần đây không ít DN xuất khẩu và những tổ chức kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng ngoại tệ đã tận dụng sự ổn định của tỷ giá, vay USD, chuyển qua VND gửi tiết kiệm, hưởng chênh lệch lãi suất. Việc làm này của các DN không khác gì mua - bán tiền để hưởng chênh lệch và các DN trong nước khó có thể tìm được nguồn trả nợ nào khác ngoại trừ vay các ngân hàng. Như vậy, nếu đến thời điểm đáo hạn hay giải chấp các khoản vay ngoại tệ cùng lúc, sẽ gây nên sự đột biến về nhu cầu ngoại tệ và có thể tác động mạnh đến tỷ giá. Bên cạnh đó, cũng cần sử dụng linh hoạt các giải pháp mang tính thị trường, như tăng thêm dự trữ bắt buộc USD, giảm lãi suất VND để không xảy ra tình trạng chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và cho vay USD, nguy cơ mất cân đối nguồn vốn sẽ không có điều kiện xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn cần chính sách điều hành thị trường tiền tệ đồng bộ hơn.

Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ được và đưa tỷ giá USD/VND xuống dưới mức trần cả trên thị trường chính thức lẫn tự do, nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN chưa đem lại kết quả như mong muốn. Dù nguồn vốn USD đã "đổ" vào ngân hàng, nhưng dòng vốn VND vẫn chưa "chảy" về ngân hàng nhiều như kỳ vọng. Ngoài ra, tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao (theo nhiều chuyên gia dự báo, mức lạm phát năm nay có thể cao hơn mức 11,75% của năm trước, thậm chí có thể lên tới 18-20%); vì thế, các ngân hàng đã "lách" trần lãi suất suốt thời gian qua. Cũng có ý kiến cho rằng, USD giảm giá sẽ giúp VND ngày càng hấp dẫn hơn, nhưng nó cũng sẽ để lại hệ lụy cho nền kinh tế. Đó là DN sẽ gửi ngân hàng bằng VND và vay bằng USD do lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn nhiều so với tiền đồng như đã nói ở trên. Điều này có thể dẫn tới việc mất cân đối trong cơ cấu vốn của các ngân hàng. Cùng với thực tế này, các chuyên gia cũng khuyến cáo, DN phải có sự cân nhắc trong các phương án tín dụng đối với việc kinh doanh xuất nhập khẩu để chủ động nguồn vốn khi thị trường ngoại tệ có những diễn biến không thuận lợi.

Gia Bình