Ba Lan chê trách Nga trong vụ rơi máy bay chở Tổng thống
Thế giới - Ngày đăng : 17:50, 29/07/2011
(HNMO) - Một báo cáo của Ba Lan đã phát hiện ra rằng, Nga có một phần lỗi trong tai nạn máy bay năm ngoái khiến Tổng thống Ba Lan khi đó là Lech Kaczynski thiệt mạng.
Nước này nói rằng, lỗi phi công là lý do chính cho vụ tai nạn, nhưng hệ thống điều khiển không khí và ánh sáng nghèo nàn tại Smolensk cũng góp phần gây ra vụ tai nạn.
Vụ rơi máy bay đã khiến 96 người chết và đã là nguồn gốc gây ra sự căng thẳng giữa hai nước.
Một báo cáo của Nga công bố hồi tháng 1 đã đặt hoàn toàn trách nhiệm về phía Ba Lan.
Tuy nhiên, Ba Lan, trong khi chấp nhận một số phát hiện, cho rằng báo cáo của Moscow là "không đầy đủ".
Tất cả những người trên chiếc máy bay Tupolev TU-154, trong đó có các quan chức thuộc tầng lớp quân sự và chính trị cao cấp của đất nước, đã thiệt mạng khi máy bay chở họ bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh trong sương mù dày đặc.
Họ đang trên đường đến lễ tưởng niệm cho các nạn nhân của Katyn, nơi 20.000 sĩ quan Ba Lan đã bị tàn sát bởi lực lượng Liên Xô vào năm 1940.
Thông tin lỗi
Báo cáo của Warsaw cho biết, phi công đã thiếu kinh nghiệm trong việc hạ cánh máy bay trong điều kiện thời tiết bất lợi và phi hành đoàn không được trang bị đầy đủ.
Báo cáo cũng phát hiện thấy, ánh sáng sân bay "bị lỗi và không đầy đủ", trong khi một nhân viên khu vực hạ cánh đã đưa "thông tin sai lệch" cho phi hành đoàn khi họ chuẩn bị hạ cánh trong thời tiết xấu tại thành phố Smolensk của Nga.
Kiểm soát viên không lưu đã thông tin sai cho phi hành đoàn về độ cao thực sự của họ trong quá trình tiếp đất và đã đưa ra một cảnh báo quan trọng quá muộn.
Trong báo cáo hồi đầu năm nay, Nga cho biết vụ tai nạn là do lỗi của phi công và phi hành đoàn đã thực hiện những rủi ro phi lý dưới áp lực từ cấp trên.
Tuy nhiên, báo cáo của Ba Lan cho biết không có bằng chứng rằng ông Lech Kaczynski hoặc bất cứ ai khác trên máy bay đã gây áp lực lên các phi công phải đi ngược lại mong muốn của họ.
Việc xử lý tai nạn của Nga ban đầu đã được ca ngợi rộng rãi, nhưng vấn đề này sau đó đã trở thành một nguồn gây tranh cãi giữa hai nước.