Cần thời gian lập phương án kiến trúc

Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 29/07/2011

(HNM) - UBND TP Hà Nội đã họp với 8 quận, huyện cùng các sở, ngành liên quan về tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo đó, 8 quận, huyện đã thống kê, lên phương án xử lý để hoàn thành xong trước ngày 30-10.


Nhà siêu mỏng sẽ được thống kê, phân loại và xử lý.Ảnh: Phương An

Theo Sở Xây dựng, sở dĩ lùi thời hạn xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo đến tháng 10 là do cần thời gian lập phương án kiến trúc. Cụ thể, với các trường hợp có thể hợp khối công trình sẽ gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, các quận, huyện cũng chưa lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.

Quận Ba Đình (một trong hai đơn vị được chọn làm điểm) cho biết, do đặc thù các trường hợp nhà mỏng, méo trên địa bàn hình thành trước khi có quy định về xử lý. Đến nay, sau thời gian dài, các hộ dân đã ở ổn định, đất hợp pháp… nên việc xử lý rất khó. Quận Ba Đình cũng đưa ra dự kiến kinh phí để đền bù cho 83 trường hợp nhà mỏng, méo là 75 tỷ đồng (trong đó 59 tỷ đền bù liên quan đến đất, 16 tỷ liên quan đến nhà) và cần 50 căn hộ tái định cư. Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong số nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận Ba Đình, 28 trường hợp có thể hợp khối được; 29 trường hợp không hợp khối được, UBND quận đề nghị thu hồi; 27 trường hợp thuộc quy hoạch chưa thực hiện được, 5 trường hợp nằm ngoài chỉ giới mở đường Văn Cao - Hồ Tây thuộc phường Liễu Giai nên quận cũng đã có văn bản thu hồi.

Các quận, huyện khác cũng thống kê, phân loại để xử lý trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Quận Đống Đa có 73 trường hợp, trong đó 10 trường hợp đã thống nhất hợp khối; 10 trường hợp đã ra thông báo hợp thửa; 50 trường hợp quận yêu cầu các phường thu hồi đất để làm hè, đường; 1 trường hợp quận đề nghị phá dỡ, 2 trường hợp để phục vụ dự án. Với tổng số 70 trường hợp, quận Thanh Xuân đứng thứ ba về số lượng công trình siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Theo báo cáo của UBND quận, 39 công trình đã phá dỡ; số còn lại, quận đề nghị và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định chấp thuận cho hợp khối 5 trường hợp; thu hồi 26 trường hợp. Với quận Tây Hồ, trong số 47 trường hợp, các chủ đầu tư đã hợp khối công trình 12 trường hợp; 24 trường hợp khác có thể hợp khối, đang được các hộ tự thỏa thuận. Quận Hoàng Mai có 45 trường hợp, trong đó 9 trường hợp xin hợp khối. Quận Hai Bà Trưng có 30 trường hợp, trong đó, 9 trường hợp các chủ đầu tư đã hợp khối công trình; 13 trường hợp có thể hợp khối. Quận Cầu Giấy có 27 trường hợp đang tự thỏa thuận hợp khối; trong khi huyện Hoài Đức có 15 trường hợp được thông báo tự thỏa thuận hợp khối...

Thực ra, từ năm 2005 TP Hà Nội đã có quy định xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, song theo các địa phương, do quy định chưa cụ thể nên rất khó thực hiện. Có thửa đất chỉ rộng 1-2m2 song có giá trị tăng rất cao sau mở đường nên người dân không thỏa thuận hợp khối được. Trong khi đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB những trường hợp này chưa hợp lý. Về pháp lý, thực chất việc hợp khối là chuyển nhượng, mua bán. Song cơ quan công chứng thường không nhận hồ sơ vì đa số đất mỏng, méo thiếu giấy tờ. Ý tưởng thu hồi đất xây dựng đồng bộ tuyến phố hai bên đường, ngăn chặn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo cũng được bàn bạc, nhưng chưa thể triển khai vì thiếu cơ sở pháp lý, kinh phí thu hồi, GPMB quá lớn. Hậu quả là TP mất tiền mở đường, nhưng không được hưởng lợi từ việc chênh lệch địa tô. Còn nhà siêu mỏng, siêu méo làm mất mỹ quan đô thị vẫn xuất hiện không ngăn chặn được. Mới đây, TP cụ thể hóa các quy định pháp lý bằng việc ban hành cơ chế giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguyên tắc là ấn định thời hạn các hộ dân tự thỏa thuận hợp khối; nếu không thực hiện được Nhà nước sẽ thu hồi. Mặt khác, các dự án giao thông mới sẽ tính chuyện thu hồi đất hai bên đường hoặc có phương án chỉnh trang kiến trúc không để hình thành nhà siêu mỏng, siêu méo. Ý tưởng không mới, nhưng các bước thực hiện đã cụ thể hơn.

Khánh Khoa