Thua đậm trên sân nhà

Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 29/07/2011

(HNM) - Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu vừa thắng đậm

Tập đoàn AMR, "mẹ đẻ" của Hãng hàng không Mỹ (American Airlines) vừa quyết định hiện đại hóa đội bay bằng việc mua tới 460 máy bay chở khách mới với tổng giá trị lên tới 38 tỷ USD. 260 máy bay trong số này được ký với Tập đoàn Hàng không và vũ trụ châu Âu Airbus. Trong khi đó, Boeing - đối tác truyền thống của AMR chỉ giành được hợp đồng 200 chiếc. Ngoài đơn đặt hàng "khủng" trên, dự kiến American Airlines còn trang bị thêm 365 máy bay Airbus và 100 chiếc Boeing khác. Đây được coi là một chiến thắng ngay trên sân khách của nhà sản xuất máy bay châu Âu với đối thủ cạnh tranh lâu đời có trụ sở tại Dallas vì trước đó, Airbus đã không nhận được đơn đặt hàng nào từ Mỹ kể từ những năm 1980.

Mẫu máy bay A320 của Airbus đang “làm mưa làm gió” trên thị trường hàng không thế giới.


Góp phần vào chiến thắng vang dội của Airbus ngay trên đất Mỹ là "Át chủ bài" A320-Neo, loại máy bay được trang bị động cơ mới có thể tiết kiệm ít nhất 15% nhiên liệu so với các loại máy bay hiện nay, nhờ đó chi phí vận hành cũng thấp hơn. Theo thông số của nhà sản xuất, nếu sử dụng A320-Neo, mỗi năm các hãng hàng không có thể tiết kiệm gần 1 triệu USD/chiếc.

Chiến lược "tiết kiệm nhiên liệu" của Airbus trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo thang đã góp phần đưa A320 trở thành loại phi cơ dân sự bán chạy nhất mọi thời đại. Tại Triển lãm Hàng không Paris 2011 cuối tháng 6 vừa qua, A320-Neo đã giúp Airbus "gặt hái" lớn với đơn đặt hàng có giá trị lên đến 72 tỷ USD. Còn Boeing chỉ nhận được số đơn đặt hàng trị giá 22 tỷ USD. Đến nay, Airbus đã ký hợp đồng bán tới 1.159 chiếc A320-Neo cho nhiều hãng hàng không trên thế giới.

Với loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu A320-Neo, Airbus không chỉ thách thức đối thủ truyền kiếp là Boeing, mà còn phát đi tín hiệu cảnh báo các hãng sản xuất máy bay đang trỗi dậy như Comac (Trung Quốc), Embraer (Brazil), Bombardier (Canada) và Sukhoi (Nga). Trong số này, chỉ có Comac là có thể trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới do tiềm lực tài chính khổng lồ và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Để đáp ứng thời hạn giao máy bay cho AMR từ năm 2013 đến 2022, Airbus hiện có kế hoạch nâng công suất lắp ráp ở Hamburg (Đức), Toulouse (Pháp) và Thiên Tân (Trung Quốc) từ 36 chiếc/tháng lên 42 chiếc/tháng vào năm 2012. Nhiều khả năng Airbus sẽ tiếp tục duy trì vị trí số một ở ngành hàng không trong năm thứ tư liên tiếp. Sức ép đang đè nặng lên Boeing. Nếu không nhanh chóng tung ra các dòng sản phẩm cải tiến hoặc mẫu mã mới có những ưu điểm vượt trội, Boeing khó có thể đuổi kịp Airbus trong cuộc chiến giành giật thị phần toàn cầu.

Phương Quỳnh